Ngày càng nhiều người cao tuổi châu Á sử dụng mạng xã hội, chơi game, sở hữu kính VR... và họ được gọi là "tiền bối kỹ thuật số".

Pechara Voracharusrungsri, 70 tuổi sống ở Bangkok, nói với Nikkei Asia rằng bà sử dụng Facebook và Line để mua sắm trực tuyến nhiều lần trong tháng. Trong khi đó, lúc đại dịch chưa xuất hiện, bà chỉ dùng mạng xã hội để mua trái cây vài lần một năm. Bà chủ yếu dùng Internet để mua sản phẩm từ những công ty mình tin tưởng, như trang trại trứng mà bà biết qua một sự kiện ở trung tâm mua sắm. Thi thoảng, bà cũng lên mạng để tìm kiếm các thương hiệu mới.

Những người cao tuổi biết dùng công nghệ như bà Voracharusrungsri được gọi là "tiền bối kỹ thuật số". Theo Nikkei, một nguyên nhân khiến nhóm này tăng cao ở châu Á là do văn hóa đa thế hệ trong gia đình.

Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, phần lớn người cao tuổi châu Âu và Bắc Mỹ không sống cùng con cái, còn gia đình châu Á thường có hai hoặc nhiều thế hệ cùng chung sống. Việc giãn cách xã hội trong thời gian dài đã tăng thời gian người trẻ dành cho ông bà, bố mẹ. Người cao niên có nhiều cơ hội học cách sử dụng các ứng dụng, công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội khác nhau từ con cháu họ.

Theo báo cáo mới công bố của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor tại London, người cao tuổi ở châu Á sẵn sàng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật số khi đối mặt với Covid-19 hơn so với những người cùng thế hệ ở phương Tây.

Một nửa số người tham gia khảo sát, từ 60 tuổi trở lên và sống ở Á - Thái Bình Dương, sử dụng Twitter nhiều lần trong ngày. Con số này cao hơn mức 28% ở châu Âu và 36% ở Bắc Mỹ.

Tỷ lệ người trên 60 tuổi dùng Twitter nhiều lần mỗi ngày ở châu Á - Thái Bình Dương cao hơn các khu vưc khác, theo Euromonitor.

Khoảng 10% người cao tuổi châu Á nói đang sử dụng kính thực tế ảo, giúp họ khám phá metaverse - được coi là giai đoạn tiếp theo của Internet. Trong khi đó, tỷ lệ ở Bắc Mỹ và châu Âu chỉ khoảng 2%. Euromonitor kết luận, thế hệ người già châu Á hiểu biết về công nghệ hơn so với ở các khu vực khác trên thế giới.

Natasha Cazin, cố vấn tại Euromonitor, cho biết: "Các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube, WeChat và Instagram được kỳ vọng trở nên phổ biến ở châu Á trong tương lai gần".

Một số "tiền bối kỹ thuật số" thậm chí trở thành KOL trên Internet nhờ sự giúp đỡ của con cháu. Một đôi vợ chồng trên 80 tuổi, điều hành tiệm giặt là ở Đài Loan, tự hào có khoảng 660.000 người theo dõi trên tài khoản Instagram có tên "Muốn hẹn hò khi còn trẻ". Họ chia sẻ nhiều hình ảnh đời thường, như một bức ảnh họ mặc quần áo không có người nhận tại cửa hàng cùng thông điệp "Đừng quên lấy đồ của bạn". Một người cao tuổi khác là Park Mak-rye, biệt danh "Bà ngoại Hàn Quốc", nổi tiếng trên YouTube với 1,3 triệu người theo dõi.

Làn sóng người dùng kỹ thuật số mới này được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi năng động về cách thức mua sắm và cung cấp dịch vụ cho người lớn tuổi. Hồi tháng 10/2021, Taobao - nền tảng mua sắm trực tuyến thuộc Alibaba - cung cấp định dạng trang web đặc biệt với cỡ chữ lớn hơn và tìm kiếm bằng giọng nói để hỗ trợ người lớn tuổi. HKTV, dịch vụ mua sắm trực tuyến Hong Kong, đang phát triển các ứng dụng được thiết kế cho những người cao tuổi dễ dàng mua hàng qua Internet.

Natasha Cazin cho biết: "Các phiên bản dễ sử dụng như của hai ứng dụng trên được kỳ vọng thúc đẩy sự thâm nhập vào lĩnh vực thương mại điện tử của thế hệ 'tiền bối kỹ thuật số' châu Á". Đại dịch đã mở rộng phạm vi hoạt động của người cao tuổi trên Internet và các công ty trực tuyến cũng đang điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để khai thác sức mạnh chi tiêu của làn sóng kỹ thuật số cao niên đang gia tăng này.

(Theo vnexpress.net)