Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính của phát triển kinh tế, đồng thời là yếu tố chính thúc đẩy khối tư nhân hợp tác, phát triển. Cùng với đó là hỗ trợ cải thiện chất lượng sống, thúc đẩy tích lũy tài sản trong nước, nâng cao năng suất và năng lực sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều đóng góp đến quá trình đổi mới sáng tạo, thông qua giới thiệu các sản phẩm mới và điều chỉnh các sản phẩm hiện có theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Để làm được điều đó, Luật sư Lê Văn Hà, công ty TNHH Tư vấn iPath cho rằng, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ và được thừa nhận rộng rãi là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết để các doanh nghiệp có thể duy trì mức độ cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do.

"Nên tránh tâm lý tùy tiện, đơn giản khi nghĩ về nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ. Bất kỳ ai khởi nghiệp kinh doanh, ở mọi quy mô đều nên nghĩ đến vấn đề đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ sau khi đăng ký kinh doanh. Việc làm này, 1 mặt bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo nên “nhận diện thương hiệu” riêng cho hàng hóa – dịch vụ mình kinh doanh, mặt khác qua đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa- dịch vụ các chủ doanh nghiệp sẽ tránh được vi phạm nhãn hiệu hàng hóa- dịch vụ của doanh nghiệp khác đã bảo hộ", Luật sư Lê Văn Hà, công ty TNHH Tư vấn iPath khẳng định.

Thực tế cho thấy, việc một doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng lại bị người khác sử dụng, chiếm đoạt hoặc đăng ký trước thì sẽ không được pháp luật bảo vệ do không thực hiện đăng ký quyền cho đối tượng đó. Vì vậy, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp doanh nghiệp tránh khả năng gây nhầm lẫn, bảo đảm rằng khách hàng có thể phân biệt sản phẩm của mình với các doanh nghiệp khác, đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình.

Hiểu được lợi ích đó, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay từ ngày đầu thành lập đã dành nguồn lực cho việc bảo hộ nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu của riêng mình. Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia là một ví dụ. Lựa chọn sản phẩm chính của Công ty là mặt hàng nước mắm truyền thống, ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với mong muốn xây dựng được thương hiệu riêng biệt trong lòng khách hàng và ngăn chặn việc doanh nghiệp đối thủ sử dụng nhãn hiệu đó để gây nhầm lẫn hoặc thu lợi từ nhãn hiệu đã đăng ký.

Một trong những lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế phát triển như hiện nay, đó là doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu của mình. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp không chỉ là căn cứ pháp lý bảo vệ cho quyền lợi của mình trước những hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đó mà còn thúc đầy hoạt động quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng trong quan hệ với khách hàng. Gia đình ông Nguyễn Thành Tựu ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An là một ví dụ. Từ năm 2021 ông Tựu và nhiều nông dân trồng thanh long ở Châu Thành cũng bắt đầu biết đến khái niệm bảo hộ giống cây trồng, bảo vệ thương hiệu nông sản nhưng chưa thực hiện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, thị trường Nhật Bản bất ngờ ngưng nhập thanh long ruột đỏ LD1 vì thiếu mã số vùng trồng, bản quyền giống, lúc này ông mới hiểu ra tính cấp thiết của việc bảo hộ giống cây trồng, bảo vệ thương hiệu nông sản:

"Hồi năm 2021 đã có chuyện thực thi bảo hộ giống nhưng lúc đưa ra bà con nhà vườn nói nhà nước làm khó. Giờ thì thấy là không phải nhà nước làm khó. Mà là phải quy hoạch bài bản từ vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và những vấn đề liên quan thì mới bán hàng bền vững được. Còn giờ bà con không làm thì cũng chỉ bán trôi nổi, người ta mua giá bao nhiêu phải bán bấy nhiêu chứ không thể quy hoạch được gì…", ông Nguyễn Thành Tựu ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An nói.

Tháng 2 năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia đánh giá, lần sửa này của Luật Sở hữu trí tuệ mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước tới nay. Trong đó, các thay đổi liên quan đến các chế định bảo hộ nhãn hiệu sẽ là điều mà các doanh nghiệp phải quan tâm trước hết. Cùng với đó là cho phép sự tham gia của cơ quan nhà nước khi phát hiện ra các hành vi xâm phạm trong quá trình thực thi công vụ. Việc xử lý này được tiến hành ngay mà không cần yêu cầu từ phía chủ thể quyền…

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, đây chính là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng thực hiện nhiệm vụ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả.

"Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh tổ chức, doanh nghiệp. Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một bước phát triển mới của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả".

Việc một số sản phẩm hàng hóa của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài "đánh cắp" thương hiệu gần đây như một hồi chuông cảnh báo. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do được kí kết, nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi cơ hội phát triển của mình.

Mời nghe bài viết tại đây: