Chị Trần Thùy ở quận Đống Đa, Hà Nội là một người chuyên bán hàng online trên mạng xã hội Facebook. Tài khoản cá nhân của chị kết nối với gần 5 nghìn người dùng khác. Thế nhưng một ngày cuối năm 2020, chị bỗng phát hiện mình không thể đăng nhập vào tài khoản, càng tá hỏa hơn khi chị nhận cuộc gọi của một người bạn hỏi xem đã nhận được tiền chưa? Nghe người bạn của mình giải thích, chị mới biết mình đã bị đánh cắp tài khoản Facebook và kẻ gian dùng chính tài khoản ấy để nhắn tin mượn tiền những bạn bè trên mạng xã hội của chị:

"Thực sự là rất bất ngờ vì bình thường mình không bao giờ mượn tiền của ai. Tự dưng lại nhận được cuộc gọi hỏi đã nhận được tiền chưa. Lúc đấy thì cũng ngớ người ra. Mãi sau mình mới nghĩ ra là đã truy cập vào 1 đường link mà một người bạn đã gửi qua Facebook. Chị ấy nhờ bình chọn cho con trai đang tham gia một cuộc thi. Lúc đấy thì cũng thấy khá lạ vì trang web đòi hỏi nhập tên đăng nhập và mật khẩu Facebook mới bình chọn được. Nhưng nghĩ chỗ người quen, chị ấy đã nhờ, chẳng lẽ lại không giúp?" - chị Thùy kể.

Vâng, chính vì lý do người quen nhờ chẳng lẽ lại không giúp nên một số người đã “dính bẫy” của kẻ gian. Họ không biết rằng khi dùng tài khoản Facebook đăng nhập bình chọn, đối tượng sẽ có tên đăng nhập và mật khẩu rồi chiếm quyền sử dụng Facebook của họ. Sau khi hack được một tài khoản Facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ Facebook bị hack và dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản Facebook bị hack gửi tin nhắn trò chuyện với những người có quan hệ gia đình, làm ăn thân thiết với chủ Facebook, để thực hiện các hành vi lừa đảo phổ biến như vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại; nói mình mới mua nhà, bất động sản, xe hơi ở nước ngoài nên thiếu tiền và cần vay tiền gấp để đặt cọc…

Anh Chu Xuân Mạnh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã từng rơi vào trường hợp như vậy. Giữa năm 2017, anh bị 1 đối tượng mạo nhận là người thân liên hệ qua facebook nhờ mua giúp thẻ điện thoại trị giá tương đương 500 đô la Mỹ. Lý do là họ đã đặt mua hàng trên mạng và bên bán đòi thanh toán bằng thẻ cào điện thoại để đăng ký nhận hàng về Việt Nam: "Trên messenger hiện lên hình ảnh chị gái ở nước ngoài gọi về nói chuyện với nhau. Cũng nghĩ là chị cần tiền thật nên nhanh chóng qua thẻ cào để chuyển cho chị. Trong quá trình chuyển mấy triệu thì lại tiếp tục đòi thêm. Mình nghi nghi nhưng đang vội, thôi cào cho xong. Đến lúc gọi điện sang, không thấy trả lời thì mới biết bị lừa."

Các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí vẫn thường xuyên tuyên truyền cách thức bảo đảm an toàn thông tin khi tham gia mạng xã hội và sử dụng mạng internet. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, nhẹ dạ cả tin hoặc cả nể, một số người vẫn sẵn sàng ấn vào các đường link bình chọn khi được nhờ chia sẻ, câu like… Và rồi những người thân, bạn bè… của họ lại là những người gánh chịu hậu quả.

Thực sự là áy náy vì người ta tưởng là mình vay thật nên mới chuyển tiền qua. Nhưng cũng không biết làm thế nào, chỉ mong công an sớm bắt được kẻ dùng facebook của mình để lừa đảo - chị Trần Thùy chia sẻ./.