Chính sách đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (cán bộ lão thành cách mạng) và người hoạt động từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa) luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Hiện nay, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 02 năm 2020, chế độ ưu đãi với cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa bao gồm: Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần; Bảo hiểm y tế; Điều dưỡng phục hồi sức khỏe; Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở; Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước; Miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật...

Bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thẩm quyền ban hành quyết định công nhận lão thành cách mạng hoặc cán bộ tiền khởi nghĩa được quy định như sau:

- Người hoạt động cách mạng thuộc ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương quản lý thì Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Nếu không có Ban cán sự đảng, Đảng đoàn thì Đảng ủy cấp trên (trực thuộc Trung ương) xem xét, quyết định.

Trường hợp người hoạt động cách mạng chỉ thuộc cấp ủy địa phương quản lý thì Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương nơi người đó hoạt động cách mạng trước năm 1945 xem xét, quyết định.

- Người hoạt động cách mạng thuộc quân đội thì Tổng cục Chính trị xem xét, quyết định.

- Người hoạt động cách mạng thuộc công an thì Ban thường vụ Đảng ủy công an Trung ương xem xét, quyết định.

Mời quý vị nghe bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công giải đáp các thắc mắc về chế độ chính sách với người tham gia cách mạng trước ngày khởi nghĩa tháng Tám 1945 và thân nhân tại đây: