Vụ việc chồng đâm chết người khi cứu vợ bị bắt cóc tại Vĩnh Long đang gây chấn động dư luận. Điều đáng nói người chủ mưu của vụ bắt cóc này chính là mẹ vợ, chỉ vì không muốn con gái lấy người đàn ông đó làm chồng nên người mẹ đã dùng đủ mọi cách để khống chế bắt con về nhà, bất chấp luật pháp. Sự việc này vẫn đang gây tranh cãi, nhiều người cho rằng người chồng là do phòng vệ chính đáng hoặc giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Người mẹ thì thương con không đúng cách, can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con, dù con đã là người trưởng thành. Thật đáng tiếc khi sự việc mâu thuẫn gia đình lại gây ra một bi kịch như vậy. Nguyên nhân vì sao dẫn đến thảm kịch này, hành vi của người chồng có được coi là phòng vệ chính đáng hay không? Phóng viên chương trình đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này:

PV: Thưa luật sư Đặng Văn Cường, khi nghe lại sự việc này và nghe những ý kiến trong phản ánh vừa rồi thì ông thấy gì từ thảm cảnh này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Đó là một sự việc rất đau lòng và chắc chắn hậu quả pháp lý sẽ có thể áp dụng đối với các bên. Tuy nhiên người mẹ trong câu chuyện này là người khởi nguồn sự việc và phải chịu trách nhiệm chính trong việc này. Tôi nghĩ rằng việc người mẹ có những hành động như vậy thì có thể là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, coi thường pháp luật cho nên mới xảy ra chuyện như vậy.

PV: Trong vụ việc này thì người mẹ tổ chức bắt cóc con gái mình, em trai tham gia vào việc bắt cóc chị gái. Rồi người chồng vì cứu vợ mà đã đâm chết một người và gây thương tích cho hai người khác. Vậy dưới góc nhìn của luật sư ông nhìn nhận thế nào về hành vi phạm tội của mỗi người?

Luật sư Đặng Văn Cường: Hành vi của người mẹ có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật. Pháp luật quy định những công dân bị bắt, giữ, giam chỉ do các cơ quan pháp luật và tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục của tố tụng hình sự. Pháp luật cũng quy định mọi công dân có quyền tự do về thân thể, tự do về cư trú, tự do về việc làm và tự do về hôn nhân. Với bất cứ lý do gì mà đánh đuổi người khác ra khỏi chỗ ở của họ, bắt giữ người khác thì đều là hành động trái pháp luật. Do vậy nhóm người đến bắt giữ người phụ nữ đó, và người thuê bắt giữ kể cả là mẹ thì vẫn phải chịu trách nhiệm, có thể khép vào tội bắt giữ người trái pháp luật theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Chắc chắn người mẹ sẽ bị khởi tổ.

PV: Còn đối với hành vi của người chồng thì sao? Hành động này có được coi là phòng vệ chính đáng hay không? Khi và dưới cương vị của một người chồng, nhìn thấy một đám côn đồ lôi vợ mình như vậy thì anh ta đã chống trả bằng cách cằm một thanh sắt nhọn để phản kháng, khiến một người chết và hai người khác bị thương.

Luật sự Đặng Văn Cường: Vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi. Hiện nay phía công an điều tra đã khởi tố người chồng này về tội giết người. Để xác định việc cơ quan điều tra khởi tố người chồng này là đúng hay sai thì cần phải làm rõ một số yếu tố. Thứ nhất hành vi của nhóm đối tượng này đến bắt giữ người dùng hung khí hoặc bình xịt hơi cay thì có khả năng đe dọa đến những ai và mức độ đến đâu; sử dụng hung khí đó có cảnh báo, có yêu cầu không? Và khi người chồng đâm vào ba đối tượng dẫn đến một người tử vong thì lúc ấy ba người đó có dùng vũ lực để chấn áp và đe dọa hay không? Trong trường hợp này thì hành vi của nhóm đối tượng ấy là bắt giữ người trái pháp luật là hành vi phạm tội, cho nên bất cứ ai không kể người chồng này đều có quyền bắt giữ nhóm đối tượng này, kể cả trong trường hợp có thể gây thương tích cho nhóm đối tượng ở mức cần thiết thì được coi là phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật hình sự năm 2015. Thế còn trong trường hợp hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể ở đây cần làm rõ khi người chồng này dùng vũ lực để tấn công gây thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác thì lúc đó đối phương còn dùng vũ lực để đe dọa hay không? Thứ hai nữa là việc sử dụng vũ lực này để chống lại có cần thiết và có vượt quá giới hạn cho phép hay không? Trong trường hợp mà nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của hai vợ chồng mà người này phản kháng lại và dùng vũ lực một cách cần thiết thì là phòng vệ chính đáng. Còn nếu trường hợp nhóm đối tượng này không còn dùng vũ lực nữa, đã bỏ chạy rồi mà người này vẫn đuổi theo sát hại người ta với tâm lý là bực tức, bức xúc, giết người trong tình trạng bị kích động mạnh thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên trong trường hợp này nếu bị khởi tố về hành vi giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng thì phù hợp hơn, còn nếu khởi tố về tội giết người thì quá nghiêm khắc.

PV: Việc bị khởi tố và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên sự việc sẽ không trở thành bi kịch nếu người mẹ không can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái. Luật pháp cũng đã quy định rất cụ thể về vấn đề quyền công dân và có quyền tự do kết hôn. Khi con cái đã trưởng thành, kết hôn thì cha mẹ có được phép can thiệp vào cuộc sống riêng tư của con như vậy? Pháp luật có cho phép bố mẹ bắt giữ con cái của mình từ gia đình riêng để mang về nhà hay không, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Văn Cường: Những quyền như quyền tự do hôn nhân, quyền tự do thân thể, quyền được đối xử bình đẳng công bằng thì đó là quyền cơ bản được Hiến pháp quy định. Bởi vậy nếu đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi, chưa trưởng thành thì trách nhiệm giáo dục, quản lý thuộc về cha mẹ. Còn khi một người đã trưởng thành, đủ 18 tuổi rồi thì họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một công dân theo quy định của pháp luật. Cho nên việc mà người bố, người mẹ áp đặt ý chí đối với con em mình, đó là hành vi vi phạm pháp luật còn chưa nói đến việc bắt giữ.

PV: Từ sự việc đau lòng này, ông nghĩ sao về cách quản lý, giáo dục cũng như bao bọc, can thiệp quá sâu vào đời sống con cái của nhiều bậc làm cha làm mẹ hiện nay? Ngay cả khi con cái đã ở trong độ tuổi trưởng thành mà cụ thể ở đây người phụ nữ này đã 29 tuổi, cô ấy hoàn toàn có thể tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình và có toàn quyền quyết định đến bên người mà mình yêu.

Luật sư Đặng Văn Cường: Pháp luật quy định tự do hôn nhân, trường hợp nào mà cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ một vợ một chồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế còn trong đời sống xảy ra không ít trường hợp bố mẹ bao bọc, che chở cho con của mình, kể cả con đã quá 18 tuổi rồi, như vậy làm cho con mình không thể khôn lớn được. Khiến cho con mình tâm lý ỷ lại, nhiều khi phát triển không bình thường về nhân cách. Nguyên nhân đó xuất phát từ mấy yếu tố, thứ nhất là do văn hóa của người phương đông thường bao bọc con cái, phải bao bọc mới là yêu thương, nhưng có nhiều người lại biểu hiện một cách thái quá. Thứ hai là hiện nay nhiều gia đình sinh ít con, do vậy là thường yêu quý và nuông chiều quá mức, tranh giành tình yêu thương. Thậm chí có những người vì quá yêu con mà không muốn con mình san sẻ tình cảm với người khác, ngăn cản hạnh phúc, chỉ muốn con phải dành hết tình thương cho bố mẹ​​​​​​​

PV: Cảm ơn luật sư Đặng Văn Cường!