Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Mua bán online của chúng ta tăng trưởng trung bình hàng năm đạt hơn 25% và liên tục từ năm 2015 trở lại đây. Có tới 77% người dùng mua sắm online ít nhất 1 lần trong năm. 87% khách hàng quan tâm đến Giao diện thiết kế của website/ứng dụng bán hàng. 56% người mua hàng sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng xã hội/ website, sàn TMĐT. Dù giao dịch thương mại điện tử liên tục tăng, thế nhưng việc thu thuế với các loại hình kinh doanh này vẫn gặp những trở ngại nhât định.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: Để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình kinh tế, Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ ngày 05/12/2020 đã có những quy định điều chỉnh việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Việc thu thuế đối với loại hình này được quản lý chặt chẽ hơn, số thu tăng lên đáng kể. Tại Cục thuế thành phố Hà Nội, số thuế thu từ hoạt động thương mại điện tử của năm 2020 đã tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019. Thậm chí, còn có các cá nhân tự nguyện đến kê khai và nộp thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng con số này vẫn quá thấp so với thực tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận: Cơ chế quản lý thuế dựa trên nguyên tắc tự đăng ký, tự kê khai, tự nộp thuế, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm rất phù hợp với tất cả các ngành nghề kinh doanh. Thế nhưng đối với loại hình kinh doanh online, việc cơ quan chức năng biết rõ thông tin của người kinh doanh trên mạng là điều không hề dễ dàng.

Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế có quy định: Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế. Tuy nhiên, ở nước ta, không ít người dân vẫn có thói quen chi trả bằng tiền mặt nên việc quản lý nguồn tiền qua ngân hàng cũng không thể kiểm soát được hết doanh thu của các cá nhân bán hàng online, việc kiểm tra, kiểm soát các trang bán hàng qua mạng vẫn như “mò kim dưới đáy biển”.

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Để tránh thất thu thuế từ các giao dịch điện tử, ngành thuế cần có nền tảng công nghệ tốt, minh bạch, nghiêm khắc, rõ ràng và kịp thời. Chỉ khi việc kiểm soát tốt những đối tượng có thu nhập từ kinh doanh trên nền tảng số, việc quản lý thuế với loại hình người kinh doanh qua mạng mới đi vào nề nếp, các loại hình kinh doanh mới thực sự bình đẳng.