Từ đầu tháng 1/2025 đến nay, sau khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực, việc tăng mức xử phạt kèm theo các biện pháp xử lý hành chính đã có hiệu ứng tích cực, tình trạng vi phạm giao thông cũng như số vụ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể. Có thể thấy việc nâng mức xử phạt lên nhiều lần so với trước đây theo quy định của Nghị định 168 đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn và tình trạng coi thường pháp luật giao thông đường bộ hiện nay. Điều đó cũng cho thấy, mức xử phạt của Nghị định 168 đã có “sức nặng”, làm thay đổi căn bản và toàn diện ý thức của người tham gia giao thông.

Trước thông tin Hà Nội sẽ tăng mức xử phạt giao thông gấp đôi so với Nghị định 168, nhiều người không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng. Anh Nguyễn Hồng Văn ở quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, việc phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 168 là cần thiết nhằm lập lại trật tự trên các tuyến đường, giúp người dân di chuyển an toàn. Tuy nhiên, nếu thành phố Hà Nội tiếp tục nâng số tiền phạt đối với 107 hành vi vi phạm thì quá nhiều và số tiền quá cao.

Sống ở huyện Đông Anh – ngoại thành Hà Nội, mỗi lần có việc đi vào nội đô, chị Hoàng Thị Lan rất ngại. Bởi đường xá đông đúc, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường tại nhiều vị trí còn bất cập, khó quan sát khiến người không quen thuộc đường phố như chị dễ vô tình đi sai làn đường. “Có khi mình vô tình đi sai làn đường thôi, nếu như bị phạt thì mất cả tháng lương rồi” - chị Lan nói.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất nâng mức phạt giao thông của chính quyền Thủ đô, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, về góc độ pháp lý, căn cứ vào Luật Thủ đô thì Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội có quyền quy định mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông hoặc một số lĩnh vực khác không quá 2 lần mức Chính phủ quy định. Tuy nhiên, nếu xét về tính khả thì và hiệu lực, hiệu quả của quy định này thì thành phố Hà Nội nên cân nhắc.

“Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác định là mục đích là gì và hiệu quả ra sao, rồi phải đánh giá những tác động của nó khi mà đưa vào áp dụng. Tôi cho rằng khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 168 và có hiệu lực, hiệu quả rất tốt, rất nhiều người đều cho rằng là mức phạt của Nghị định 168 là rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe rồi. Cho nên không cần thiết phải tăng mức phạt. Bên cạnh đó, mục đích của việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông không phải để thu tiền ngân sách. Số tiền đó sẽ được sử dụng theo Nghị định 176 là đầu tư, tái đầu tư trở lại cho việc đảm bảo an toàn giao thông, tăng cường quản lý và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bởi vậy, nếu quản lý tốt rồi, nếu ý thức tốt rồi thì có cần thiết phải nâng không thì đấy là vấn đề hết sức cân nhắc vào thời điểm này” – Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Mục đích của việc xử phạt là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Nếu mức tiền phạt quá thấp thì sẽ xảy ra tình trạng “nhờn luật”, ngược lại, nếu phạt quá cao thì sẽ khó có tính khả thi trên thực tế. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng với mức phạt quá cao như thành phố Hà Nội đề xuất, có thể xảy ra những tác động tiêu cực.

“Nghị định 168 là rất nghiêm khắc rồi, thậm chí là mức xử phạt rất cao rồi. Nếu ai đó không may vi phạm mà bị xử phạt thì rõ ràng sẽ có những tác động rất lớn đối với tâm lý, đối với tài chính gia đình, với mưu sinh của nhiều người, nhất là những trường hợp như shipper hay lái xe dịch vụ. Thậm chí là có thể gây ra mâu thuẫn, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Mặt khác, có những trường hợp xử phạt họ sẽ bất mãn, không chấp hành dẫn đến những hành vi cản trở người thi hành công vụ và do đó gây tác động tiêu cực đến xã hội. Rồi có nhiều trường hợp thậm chí còn bỏ luôn phương tiện vi phạm. Bởi số tiền nộp phạt quá lớn so với giá trị chiếc xe đó. Từ đó lại làm tăng gánh nặng lưu giữ xe vi phạm vốn là cũng đang là vấn đề rất là khó giải quyết. Không phải là mọi hành vi đều là cố ý, có trường hợp vô ý vi phạm và chỉ cần một phút lơ đễnh hoặc là không quen đường là có thể vi phạm rồi” – Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái – Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội phát triển chưa đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho việc chấp hành quy định của người dân. Như vậy, thay vì chỉ tập trung vào việc xử phạt, thành phố Hà Nội nên triển khai các giải pháp khác để giải quyết gốc rễ tình trạng mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô cũng như đảm bảo cho người dân tham gia giao thông an toàn thuận lợi.

“Cốt lõi của vấn đề của gia thông Hà Nội, thứ nhất là phải phát triển phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị thì sẽ sẽ giảm thiểu được các phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc, hạn chế tình trạng vi phạm luật giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thứ hai là bài toán về quy hoạch phát triển đô thị, hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong vùng lõi thì mới giải quyết được bài toán về vận tải trong các đô thị được. Xây dựng mức xử phạt mang tính răn đe là đúng nhưng còn phải phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội môi trường. Cho nên TP Hà Nội cũng cần cân nhắc về việc nâng mức xử phạt” – PGS – TS Nguyễn Hồng Thái nêu ý kiến.