Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi, ở độ tuổi này trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có đủ kiến thức xã hội nên rất dễ bị dụ dỗ, lôi kéo phạm tội, dễ bị xâm hại bởi hành vi phạm tội. Trong đó, hành vi dâm ô được quy định là một trong những hành vi xâm hại mang tính chất nguy hiểm cao, ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của trẻ em và là hành vi bị pháp luật cấm."

Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP, dâm ô trẻ em là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

"Trường hợp bác sĩ khám, chữa bệnh có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm… của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục mà chỉ là các biện pháp thăm, khám bệnh thì không thể coi là hành vi phạm tội, mà được coi là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 06/2019/NĐ-HĐTP" - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.

Tùy theo mức độ vi phạm, những đối tượng thực hiện hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi" quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự hiện hành với mức hình phạt tù thấp nhất là từ 06 tháng và cao nhất lên tới 12 năm (đối với trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng - 8.000.000 đồng (điểm d khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Tuy nhiên, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng mức hình phạt như vậy chưa đủ đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là trong tình hình các tội phạm giao cấu hoặc hoặc quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi diễn biến phức tạp như hiện nay. Thêm vào đó, các hành vi dâm ô cũng ít để lại bằng chứng, gây khó khăn trong công tác điều tra, không những vậy, hậu quả của hành vi này còn ảnh hưởng tới danh dự, hạnh phúc gia đình cũng như tổn hại về mặt sức khỏe, tâm lí của nạn nhân rất lớn. Vì vậy, việc đề xuất có thêm các mức chế tài cho tội này là cần thiết. Theo tôi thấy, nhiều nước trên thế giới đã có chế tài và biện pháp xử lý rất nghiêm khắc đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em như tử hình, thậm chí thiến hóa học,…

"Cần tăng mức khung hình phạt đối với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, đối với Tội dâm ô nói riêng và nhóm Tội xâm hại tình dục nói chung nên cân nhắc việc thêm yếu tố chỉ cần chứng minh được có ý đồ phạm tội là kết tội được cho dù hậu quả chưa xảy ra. Đồng thời, có thể áp dụng các biện pháp sau khi chấp hành án xong người phạm tội khi trở về cộng đồng cần có chế tài giám sát, đeo thiết bị định vị, cấm không được đến gần trẻ em…" - Luật sư Trần Xuân Tiền đề xuất.

Mời các bạn nghe toàn bộ phần trao đổi của luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội với phóng viên chương trình: