Trong suốt 10 năm từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất độc, phần lớn là chất dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở Miền Nam nước ta, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu hecta rừng, đất nông nghiệp, làm hủy hoại môi trường sinh thái, gây hậu quả trầm trọng cho sức khỏe con người. Vũ khí chết người hàng loạt này đã gây đau thương cho biết bao gia đình và để lại di chứng cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Chất độc hóa học đã làm cho hơn 4 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Toàn quốc đã có hàng chục vạn người chết, hàng triệu người mắc bệnh nan y, mang nhiều chứng bệnh hiểm nghèo do chất độc da cam.

Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường sinh thái và đặc biệt là đối với sức khoẻ con người, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ nói riêng. Để thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Quốc hội, Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư...), tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách lâu dài cũng như trước mắt, giúp người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến những đối tượng trực tiếp bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ. Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị di chứng da cam đã từng bước được hoàn thiện cả về diện đối tượng và chế độ ưu đãi./.

Mời các bạn cùng nghe Đại tá Nguyễn Bá Bồng - Trưởng ban Tổ chức chính sách, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tư vấn những câu hỏi của thính giả về lĩnh vực này