Sáng nay (22/11), Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Dự án luật sửa đổi, quy định các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành như: Sửa đổi quy định "thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm" thành "thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm".
Sửa đổi quy định mặt hàng "rượu", "bia" thành "rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia", "bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia".
Theo dự thảo Luật, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: dự thảo giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Đối với mặt hàng rượu, bia, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế suất là 10%....
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không phải xa xỉ
Thảo luận tại Tổ, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ mặt hàng điều hòa nhiệt độ ra khỏi danh sách đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì đây không còn là mặt hàng xa xỉ mà là thiết bị thiết yếu của người dân.
Đối với mặt hàng xăng dầu, đại biểu Lê Thị Nga cũng cho rằng đây là mặt hàng thiết yếu, người dân sử dụng phổ biến cho các phương tiện vận tải, phương tiện di chuyển.
"Bản chất mà mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào mặt hàng xa xỉ để không khuyến khích tiêu dùng. Nhưng áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là đánh vào mặt hàng thiết yếu và như vậy sẽ không đúng với bản chất, mục đích của loại thuế suất này. Do vậy, tôi đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu", đại biểu Lê Thị Nga đề nghị.
Cùng quan điểm với đại biểu Lê Thị Nga, đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Đại biểu nêu ý kiến: "Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này".
Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10%.
Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì.
Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác như đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, quy định giới hạn các nội dung được phép quảng cáo liên quan đến sản phẩm có đường,... có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân.
Cho ý kiến thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc xem xét tác động của đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường đối với lợi ích của người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thực chất là “đánh” vào người tiêu dùng, ở đây là nhóm đối tượng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị khi xác định mặt hàng/sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải cân nhắc tác động của sắc thuế đến nhóm người tiêu dùng nêu trên.
"Ngoài ra, cũng cần tính toán hiệu quả thu ngân sách nhà nước. Chính phủ dự kiến thu 2.400 tỷ, tuy nhiên Chính phủ đã tính toán chi phí hành thu thuế chưa? Ngành thuế sẽ mất bao nhiêu tiền để thu được 2.400 tỷ, chưa tính đến chi phí từ phía doanh nghiệp", đại biểu Trần Thị Hiền phân tích.
Cho ý kiến thảo luận tại Tổ, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng băn khoăn về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Đại biểu cho rằng, mặt hàng nước giải khát hiện nay khá phổ biến và có thể coi là mặt hàng thiết yếu. Bệnh béo phì, tiểu đường... do nhiều nguyên nhân và nước giải khát có đường chỉ là một phần nào đó.
"Nếu quy định như dự thảo Luật thì đường mới là nguyên nhân chính và phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Do vậy, đưa mặt hàng nước giải khát có đường phải chịu thuế thu nhập đặc biệt là không hợp lý", đại biểu Mai Văn Hải nêu quan điểm.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phân tích, trong nhiều trường hợp, đồ uống có đường mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe. Ví dụ, sau giờ làm việc nặng nhọc, mệt mỏi người lao động có một cốc nước giải khát hoặc một cốc nước đường uống là tốt cho sức khỏe.
Điều quan trọng, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, cần quan tâm đến liều lượng pha đường vào đồ uống cho phù hợp.
"Tôi đồng ý là nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này nhưng phải có biểu thuế suất phù hợp dựa vào hàm lượng đường. Tôi đề xuất đánh thuế theo từng mức, thấp nhất là từ 3% đến dưới 5%; từ 5% đến dưới 10% và từ 10% đến dưới 15%. Thuế suất này phải đánh vào nhà sản xuất chứ không phải vào người tiêu dùng", đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, điều quan trọng khi đánh thuế nước giải khát có đường là truyền thông giáo dục cho người tiêu dùng không nên uống nước giải khát đường có hàm lượng đường cao...
Đới các mặt hàng rượu, bia, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra hai phương án trong đó Chính phủ nghiêng về phương án thứ hai:
Cụ thể, với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Đối với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.