2 tháng qua, kể từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chị Phùng Thị Lan – nhân viên kinh doanh hiện công tác tại Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải và hơn 20 người lao động được bố trí làm việc từ xa. Chị Lan cho biết: Dù không đến công ty như mọi khi nhưng công việc vẫn hiệu quả, trong khi đó thời gian làm việc linh động, thoải mái, đặc biệt, chị vừa đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo doanh nghiệp nhưng cũng vẫn chăm sóc được con cái và gia đình.

Anh Nguyễn Bảo Nghĩa, Giám đốc một doanh nghiệp thiết bị và vật tư công nghiệp cũng cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội, làm việc tại nhà là giải pháp tối ưu. Trước đây, doanh nghiệp cũng đã áp dụng một số phần mềm để quản lý, tuy nhiên, khi áp dụng chế độ làm việc mới, đây mới là thời gian các phần mềm phát huy tác dụng tích cực nhất.

Nhìn về phương diện bảo mật thông tin, theo ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam, làm việc từ xa hay học online đều có thể gặp những rủi ro nhất định. Nếu máy tính không cài đặt phần mềm ngăn ngừa xâm nhập trái phép hoặc vô tình click vào một đường link, trang web hoặc app có nội dung độc hại thì thông tin cá nhân rất dễ bị lộ.

Thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong năm 2020 đã có 23 phần mềm độc hại tại Việt Nam liên quan đến COVID-19, các tập tin độc hại được ẩn dưới vỏ bọc của tệp pdf, mp4 và docx về virus SARS-CoV-2. Các tệp này chứa một loạt mã độc, có khả năng phá hủy, chặn, sửa đổi hoặc sao chép dữ liệu cũng như can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính. Chỉ cần click vào những tập tin này sẽ chiếm được quyền điều khiển máy tính, dẫn đến nhiều nguy cơ như truy cập trái phép vào các cuộc họp trực tuyến, lộ lọt dữ liệu, lộ thông tin đăng nhập từ xa vào mạng của tổ chức/doanh nghiệp.

Năm ngoái, số lượng email spam và lừa đảo trên mạng chiếm 91,5% số lần phát hiện các mối đe dọa liên quan đến COVID-19. Điều này cho thấy, tội phạm mạng sẽ tiếp tục lợi dụng dịch Covid-19 và các sự cố liên quan đến đại dịch để gài bẫy các nạn nhân mới.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng lừa đảo người dùng Việt Nam nổi lên ở 2 lĩnh vực: ngân hàng, tài chính và điện lực. Theo thống kê từ hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có 66 website giả mạo được lập ra để giả mạo cơ quan, tổ chức trong 2 lĩnh vực này nhằm mục đích lừa đảo người dùng Việt Nam.

Ở nước ta, số lượng người dùng internet tương đương với 66% dân số, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ. Tuy đã có luật và nghị định điều chỉnh vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, song chỉ dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu mà chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người chưa ý thức và chưa lường trước được hậu quả nghiêm trọng của việc lộ dữ liệu cá nhân. Thực tế việc bị lộ thông tin cá nhân là rất nguy hiểm. Người bị lộ thông tin có thể gặp phiền toái khi phải tiếp nhận những tin nhắn, email quảng cáo hay các cuộc gọi chào mời mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Đáng lo ngại hơn, thông tin cá nhân sẽ bị sử dụng cho mục đích tội phạm. Các đối tượng có thể hack vào tài khoản để chiếm đoạt tiền, thậm chí làm giả CMND, từ đó mạo danh để đi thực hiện hành vi xấu hoặc mở tài khoản ngân hàng để chuyển tiền từ việc phạm tội mà có.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa cho biết: Điều 38 Bộ luật Dân sự và Luật An toàn thông tin mạng đã quy định: Mỗi công dân đều có quyền được bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn cung cấp thông tin của người khác trên không gian mạng cũng như trên nền tảng công nghệ thương mại điện tử cũng phải được sự đồng ý của người đó. Tuy nhiên, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bí mật thông tin cá nhân của người khác hiện nay còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Tại Điều 84 Nghị định số 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện và giao dịch thương mại điện tử quy định mức phạt cao nhất chỉ từ 20-30 triệu đồng. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU), mức phạt tối đa có thể lên đến 4% tổng doanh thu toàn cầu của doanh nghiệp trong năm tài chính trước đó hoặc lên đến 20 triệu Euro tùy theo mức nào lớn hơn.

Để hạn chế tình trạng mua bán, lộ, lọt thông tin cá nhân của người khác, chúng ta cần phải xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng đánh cắp bí mật thông tin cá nhân cũng như các đối tượng tiếp tay. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần có những hiểu biết nhất định về công nghệ, nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu thông tin của mình, để không xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng”.