Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Đây là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 gồm 5 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, địa bàn phụ trách của tổ bảo vệ an ninh, trật tự là một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Do vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương để tổ chức triển khai, đồng thời quy định cụ thể số lượng tổ, thành viên của mỗi tổ.
Thiếu tá Lê Văn Mai, Phó Trưởng phòng 3, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho rằng, sự ra đời của lực lượng này sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Cùng với đó kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thực chất hơn. Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở. Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm các nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự, hỗ trợ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội, hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở, hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
Để tham gia lực lượng cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền. Cụ thể tuyển chọn công dân từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe có nguyện vọng tham gia thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.
Bên cạnh đó phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Người đã chấp hành xong bản án của tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Về trình độ văn hóa phải có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Người tham gia phải đang thường trú hoặc tạm trú từ một năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ngoài ra phải có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định người tham gia lực lượng được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ hằng tháng. Bên cạnh đó người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh...
Lực lượng cũng được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại luật. Hiện Chính phủ đã ban hành nghị định 40/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, Thiếu tá Lê Văn Mai, Phó Trưởng phòng 3, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an nhận định, việc ban hành luật không làm hình thành nên tổ chức bộ máy mới, không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà lực lượng này được kiện toàn, thống nhất lại từ các lực lượng đang có gồm: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Việc kiện toàn lại lực lượng như vậy giúp tập trung vào một đầu mối, điều kiện, cơ sở hạ tầng, giúp nâng cao hiệu quả công tác. Như vậy không làm tăng thêm số lượng người tham gia do không xây dựng lực lượng mới và không "phình to" bộ máy.
Có thể nói, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có hiệu lực cao từ việc kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động, qua đó, tăng cường hiệu quả trong việc bảo vệ an ninh và trật tự tại cơ sở. Đồng thời, tập trung nguồn lực và cơ sở vật chất, giảm bớt sự chồng chéo và mâu thuẫn trong nhiệm vụ giữa các lực lượng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Thiếu tá Lê Văn Mai, Phó Trưởng phòng 3, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an: