Đào tạo đi kèm đánh giá rủi ro về vệ sinh an toàn lao động

Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, công ty Kraft of Asia đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu còn sản xuất giấy để xuất khẩu sang các thị trường ở Băng La Đét,Trung Quốc, Mỹ... với quy trình tự động hóa. Do vậy các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động phải luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Ông Hồ Anh Cẩm, Trưởng Bộ phận An toàn của công ty cho biết, để đảm an toàn vệ sinh lao động thì quan trọng nhất là khâu đào tạo, đánh giá rủi ro. Đồng thời thường xuyên thực hiện các biện pháp tuần tra, giám sát, nhắc nhở người lao động thực hiện quy định pháp luật. "Sau đó, hướng dẫn các quy trình làm việc an toàn, đảm bảo cho anh em làm việc trôi chảy không quên các bước an toàn vệ sinh lao động trong công việc hằng ngày của mình".

An toàn vệ sinh lao động từ lâu được xem là điểm yếu của người lao động Việt Nam. Bởi vậy, khi tuyển dụng người lao động doanh nghiệp đặc biệt chú trọng khâu đào tạo kỹ năng và nâng cao nhận thức pháp luật vệ sinh an toàn lao động. Theo ông Hiroshi Matsumura, Giám đốc Kraft of Asia, người lao động Việt Nam thiếu hụt kỹ năng an toàn hơn so với người Nhật, đây là yếu tố quan trọng nhất trong tuyển dụng. Không ai mong muốn tai nạn xảy ra, từ người lao động, doanh nghiệp. Cho nên đây là yếu tố mà công ty quan tâm nhất.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn lao động, năm nay tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023 được phát động với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Sau một tháng triển khai, hàng triệu tờ rơi, áp phích và các ẩn phẩm thông tin tuyên tuyền về an toàn vệ sinh lao động được in, phát miễn phí tới doanh nghiệp, người lao động; nhiều nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động được phát hiện thông qua các cuộc thanh kiểm tra. Tổ chức gần 700 cuộc thi an toàn vệ sinh lao động, thu hút gần 66.000 lượt người lao động và quần chúng nhân dân tham gia. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương đều triển khai rất tích cực tháng an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, việc triển khai này đang tốt ở cơ quan hành chính, các tập đoàn kinh tế, ở đơn vị lớn, nhưng ở khu vực phi chính thức thì triển khai chưa được tốt.

"Trong thời gian tới, tăng cường cho khu vực này nhiều hơn, tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường thông qua tập huấn, các chương trình dự án nhỏ, kể cả hợp tác quốc tế trong khu vực này ta cũng phải có ưu tiên".

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, công tác an toàn vệ sinh lao động là hoạt động mang tính liên ngành, liên cơ quan. Hoạt động này thiết thực và hiệu quả khi chính người lao động là những người được hưởng thụ những thành quả đó. "Chính vì thế, tất cả những chủ trương, chính sách của Đảng, của các bộ, ban ngành, sự phối hợp đồng hành của các sở, ban, ngành với công đoàn, với các tổ chức chính trị xã hội phải được đưa vào trong thực tiễn. Đặc biệt, đối với người lao động trong những ngành nghề có yếu tố nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, mất an toàn vệ sinh lao động", bà Hà nói.

Tiến hành gần 30 nghìn cuộc thanh kiểm tra

Cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về vệ sinh an toàn lao động, công tác thanh tra, giám sát cũng được đề cao. Trong Quý II năm nay, các địa phương trong cả nước đã tiến hành gần 30 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, có gần 5 nghìn doanh nghiệp được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, tăng 20% số đơn vị được thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm ngoái. Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc tập huấn, huấn luyện cho các địa phương cũng được triển khai tích cực.

Đặc biệt là các cuộc thi về an toàn vệ sinh lao động cũng lên đến gần 700 cuộc thi, ở 63 tỉnh, thành phố và thu hút đông đảo lực lượng và quần chúng nhân dân tham gia. Nhận thức của các cấp, các ngành có sự chuyển biến và quan tâm nhất định đến tình hình an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe và bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là chăm lo cho người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp và cả người lao động ở khu vực phi kết cấu.

Đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn lao động tại các doanh nghiệp phải đồng bộ từ nhận thức, ý thức tuân thủ của người lao động, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan./.

Nghe Audio tại đây: