Ngày 26/3 vừa qua, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an bắt đầu thử nghiệm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính. Người vi phạm giao thông cung cấp mã số định danh cá nhân (12 số) trên thẻ căn cước có mã QR để cảnh sát tra cứu dữ liệu ở Cổng dịch vụ công Quốc gia, phục vụ nộp phạt qua mạng.

Theo đó, thay vì nộp tiền trực tiếp cho cảnh sát và chờ quyết định xử phạt bằng giấy sau 7 ngày, tài xế sẽ được hướng dẫn đọc mã số định danh trên thẻ căn cước mới, kiểm tra mã QR trên thẻ. Chỉ cần nhập số căn cước công dân người vi phạm vào, hệ thống sẽ tự động hiển thị tất cả thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở hiện tại của người vi phạm để lực lượng lập biên bản và ra quyết định xử phạt online.

Chỉ sau ít phút, tài xế sẽ nhận được tin nhắn từ Cổng dịch vụ công Quốc gia, thông tin về số quyết định xử phạt. Với thông tin này tài xế có thể nộp phạt, chuyển khoản qua ngân hàng tích hợp trên cổng dịch vụ công. Với những lỗi vi phạm không phải tạm giữ giấy tờ, CSGT sẽ trả giấy tờ ngay cho người vi phạm. Còn với các lỗi bị tước bằng lái, người vi phạm khi nộp tiền xong có thể đăng ký nhận giấy tờ tại nhà thông qua hệ thống bưu điện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng cách làm mới này rất văn minh, hiện đại, có nhiều ưu thế so với các cách nộp phạt vi phạm an toàn giao thông đang hiện hành.

Sự thuận tiện là điều mà chúng ta có thể thấy với cách làm mới này, bởi chỉ sau vài phút, người vi phạm giao thông đã có thể giải quyết được vấn đề của mình. Như vậy cả người thực thi nhiệm vụ cũng như người vi phạm đều tiết kiệm được rất nhiều thời gian và cả công sức đi lại nữa. Và điều quan trọng nhất là cách nộp phạt qua mã số định danh sẽ đem đến sự rõ ràng, minh bạch.

Hoàn toàn ủng hộ cách làm mới này, song ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng ngành Công an cần phải có những bước đi chắc chắn để từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quy trình thực hiện nộp phạt, cũng như tính toán thật phù hợp, đặc biệt về mặt công nghệ.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh: dù muốn thử nghiệm, muốn điều chỉnh ra sao thì việc thuận tiện, rõ ràng, minh bạch và đảm bảo quyền lợi cho người dân phải luôn là những yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Vẫn biết từ thí điểm đến triển khai đại trà là cả một chặng đường dài, song có thể khẳng định đây là hướng đi đúng và phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà chúng ta đang từng bước hoàn thiện quản lý số - vì một môi trường làm việc minh bạch cho tất cả các bên.