Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, không có tội danh giết người chưa đạt mà chỉ có tội giết người. Giết người chưa đạt cũng là hành vi giết người. Việc phạm tội chưa đạt nằm ngoài mong muốn, ý thức của người thực hiện hành vi phạm tội, chứ còn nó mang đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm của tội giết người, được quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự."

Giết người chưa đạt có đầy đủ dấu hiệu của tội giết người, nghĩa là người phạm tội đã có ý định, mong muốn tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật và đã thực hiện đầy đủ các hành vi từ giai đoạn chuẩn bị công cụ phạm tội đến việc thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng người khác. Tuy nhiên người bị hại không chết như đưa đi cấp cứu kịp thời hoặc có người can ngăn kịp thời nên hậu quả chết người không xảy ra.

Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của điều luật, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11%-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp sử dụng vật liệu, hung khí nguy hiểm, sử dụng acid đối với các quy định từ điểm a đến điểm k Điều 134.

Hành vi khách quan được thể hiện qua các giai đoạn như chuẩn bị phạm tội (chuẩn bị công cụ, phương tiện để phục vụ hành vi phạm tội…) nhằm tấn công, gây thương tích/ tước đoạt tính mạng người khác. Tấn công, gây tổn hại sức khỏe/ tính mạng của người khác. Có thiệt hại thực tế (người bị hại bị gây thương tích).

Hành vi cố ý gây thương tích: người phạm tội không mong muốn tước đoạt tính mạng người khác mà chỉ gây thương tích.

Giết người chưa đạt: mong muốn lấy tính mạng của người khác. Điều đó thể hiện thông qua việc người phạm tội sử dụng công cụ, vị trí phạm tội (vùng có khả năng sát thương cao), thái độ, ý thức của người phạm tội sau khi thực hiện hành vi tội phạm…

Để phân biệt rõ hơn giữa hành vi giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích, mời quý vị và các bạn cùng nghe toàn bộ phần trao đổi của phóng viên chương trình Cầm tay chỉ luật với luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng: