Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin để giúp các bạn có thêm thông tin về vấn đề này:

PV: Trước hết, xin nhờ Luật sư phân tích để mọi người có hiểu biết đúng về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô?

Luật sư:

Loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ. Định nghĩa, khái niệm về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau tại các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động này. Trước đây, tại các Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2001, Nghị định số 110/2006/NĐ-CP ngày 28/9/2006 và Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ, kinh doanh vận tải bằng ô tô được hiểu là việc sử dụng xe ô tô để vận tải hành khách, vận tải hàng hóa có thu tiền.

Đến khi Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ ra đời đã quy định “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp”. Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã làm rõ và bổ sung thêm hoạt động “kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp” trong khái niệm kinh doanh vận tải bằng ô tô, đó là hoạt động kinh doanh vận tải mà đơn vị kinh doanh vận tải vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

Tuy nhiên, do sự phát triển của hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là sự tham gia của những “hãng xe công nghệ” thì những khái niệm trên không phản ánh đúng và đầy đủ bản chất của hoạt động kinh doanh vận tải trên thực tế hiện nay. Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ ban hành đã định nghĩa lại về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, theo đó “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi”.

Căn cứ vào các quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải đảm bảo các yếu tố:

Thứ nhất, chủ thể thực hiện kinh doanh vận tải phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ hai, về hành vi: kinh doanh vận tải chỉ cần thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải là: trực tiếp điều hành phương tiện vận tải, lái xe, quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ.

Thứ ba, mục đích của hoạt động kinh doanh vận tải là nhằm mục đích sinh lời từ việc thực hiện một trong các hoạt động vận tải nói trên.

Thứ tư, hoạt động kinh doanh vận tải là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đối tượng kinh doanh vận tải đã được mở rộng hơn. Những đơn vị chỉ thực hiện một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải với mục đích sinh lời đều được xem là kinh doanh vận tải và thuộc đối tượng phải xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải. Ví dụ: các đơn vị xe công nghệ như Grab, Bee,… trước đây không được xem là đơn vị kinh doanh vận tải nhưng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, các đơn vị này thực hiện công đoạn chính của hoạt động vận tải là “trực tiếp điều hành phương tiện vận tải” hoặc “quyết định giá cước vận tải” nhằm mục đích sinh lời nên được coi là hoạt động kinh doanh vận tải và phải xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật.

PV: Vâng, vậy muốn kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô cần có những điều kiện cụ thể như thế nào?

Luật sư

Theo quy định của pháp luật, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh, đơn vị kinh doanh phải thực hiện xin Giấy phép kinh doanh vận tải.

Điều kiện chung để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được định tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, theo đó, để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải đáp ứng các điều kiện là:

- Phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật

- Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định;

- Bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh, và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

- Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của phải có trình độ chuyên môn về vận tải;

- Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Ngoài các điều kiện chung nói trên, để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, phương tiện vận tải dùng để kinh doanh còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP là:

- Thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị kinh doanh vận tải.

- Điều kiện về chỗ ngồi: Tùy theo từng nội dung hoạt động, phương tiện dùng để kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng số chỗ ngồi theo quy định pháp luật như:

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe).

+ Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái).

+ Đối với xe buýt, xe kinh doanh vận tải khách du lịch, xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng không có quy định về điều kiện về số chỗ ngồi trên xe.

- Điều kiện về niên hạn sử dụng của xe (tính từ năm sản xuất):

+ Xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300 km, không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300 km trở xuống.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm.

+ Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có niên hạn sử dụng không quá 15 năm.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 300 km, không quá 20 năm đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly từ 300 km trở xuống.

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách du lịch và xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) sử dụng hợp đồng điện tử có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

- Điều kiện về lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe: Trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo: tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Ngoài ra, đơn vị kinh doanh vận tải cần phải lưu ý: không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

PV: Vậy thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải được quy định ra sao, thưa Luật sư?

Luật sư:

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP để xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh phải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đến Sở Giao thông Vận tải tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Bao gồm:

- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh

- Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;

- Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử);

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Hợp đồng thuê đất làm bãi đỗ xe.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, Sở Giao thông Vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị nộp hồ sơ.

Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh vận tải thì Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

PV: Theo Thông tư 58 của Bộ Công an, từ ngày 01/8/2020, xe hoạt động kinh doanh vận tải đăng ký mới được cấp biển số màu vàng. Xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 phải đổi sang biển số màu vàng trước ngày 31/12/2021. Thẩm quyền và mức phí cấp đổi biển số được quy định như thế nào?

Luật sư

Để thuận tiện cho việc quản lý các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải, Thông tư 58/2020/TT-BCA ngày 16/06/2020 của Bộ Công an đã quy định về việc cấp lại biển số xe đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.

- Việc cấp lại biển số xe thuộc thẩm quyền của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

- Theo Thông tư 229/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 11/11/2016 thì lệ phí cấp lại biển số xe là 100.000 đồng. Trường hợp cấp lại đăng ký xe kèm với biển số thì mức lệ phí là 150.000 đồng.

PV: Có trường hợp người dân sử dụng xe cá nhân và kinh doanh vận tải hành khách dưới hình thức xe công nghệ nên không muốn đổi biển số màu vàng. Vậy, với những xe cố tình không đổi sang biển vàng thì sẽ bị phạt thế nào?

Luật sư

Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BTC do Bộ Công an ban hành ngày 16/06/2020, xe hoạt động động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021. Trường hợp không thực hiện việc đổi biển số xe theo quy định pháp luật thì chủ xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “không thực hiện đúng quy định về biển số” theo quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ với mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.

PV: Một người dân đã gửi yêu cầu về chương trình như sau: Xe của tôi là xe tải 700 kg, gia đình tôi chỉ sử dụng vào nhu cầu mục đích riêng của gia đình là bán hoa quả, cà phê lưu động trên xe. Chúng tôi cũng không có đăng ký kinh doanh. Vậy xin cho hỏi gia đình tôi có cần đi đăng ký phù hiệu xe hay không?

Luật sư

Trước đây, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 10/9/2014 có quy định về kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Vì vậy, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì việc sử dụng xe để bán hàng của Thính giả là hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đã bỏ quy định về kinh doanh vận tải nội bộ. Căn cứ Khoản 5 Điều 36 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thì các đơn vị sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa thuộc đối tượng kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP không thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và cấp phù hiệu.

Vì vậy, trường hợp của thính giả không phải thực hiện đăng ký phù hiệu xe.

Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Công ty Luật Aladin