Sau khi Nghị định 126 năm 2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 5/12, Grab đã lập tức điều chỉnh tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc và tăng tỷ lệ chiết khấu doanh thu với tài xế. Chính sách mới khiến nhiều tài xế bất bình.

Sáng ngày 7/12, để phản đối việc hãng Grab tăng giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc, hàng trăm tài xế của Grab đã mặc đồng phục và tập trung trước cửa công ty tại Hà Nội, sau đó đi thành đoàn, dạo qua nhiều tuyến phố và bấm còi inh ỏi gây mất trật tự, ảnh hưởng tới giao thông. Tuy nhiên, chưa một tài xế nào bị lực lượng chức năng xử lý. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu có đủ căn cứ để xử phạt những tài xế này về hành vi gây rối trật tự công cộng hay không?

Luật Sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: "Quan hệ giữa hãng xe công nghệ với lái xe là quan hệ lao động, pháp luật không quy định mức lương bao nhiêu, chiết trừ bao nhiêu, đó là thỏa thuận. Trường hợp hãng chiết khấu nhiều quá thì họ phản đối đó là việc bình thường. Dưới góc độ pháp luật thì người lao động có quyền đình công phản đối người sử dụng lao động, tuy nhiên trong sự việc vừa rồi, những tài xế Grab đó mới chỉ tập trung vài trăm người thôi, chưa gây ách tắc giao thông nhiều giờ, chưa ảnh hưởng đến cơ quan tổ chức cho nên chưa đủ căn cứ gì để xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng".

Theo quy định thì những trường hợp tụ tập đông người để đánh nhau, gây rối trật tự công cộng hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ, các tài xế quá khích, tập trung đông người hò hét, đập phá, gây gổ, làm ảnh hưởng đến trật tự chung, làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông thì sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho rằng hành vi của tài xế này chưa đủ yếu tố về mặt chủ thể, khách thể, chủ quan và khách quan để bị xử phạt.

"Hành vi của những người lái xe ôm công nghệ này chưa phải là hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi của họ diễn ra có trật tự và chưa có việc phá rối cũng như hò hét gây mất trật tự an ninh công cộng theo quy định tại BLHS năm 2015. Họ đang thực hiện quyền phản đối cũng như bày tỏ ý kiến trước những chính sách mà hãng Grab mới đưa ra cho họ khi quyền lợi của họ đang bị xâm phạm".

Thiết nghĩ các hãng xe công nghệ cao, đặc biệt là Grab cần cân nhắc lại mức khấu trừ làm sao để có thể hài hòa lợi ích giữa hãng, tài xế và cả khách hàng. Nếu Grab vẫn luôn muốn giữ nguyên quyền lợi của hãng và đẩy phần thiệt thòi cho các tài xế thì khó có thể xoa dịu nỗi bức xúc này.