Do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/10, 3 con gái của bà V.T.Đ. (SN 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) gồm: Đỗ Thị Định (SN 1982, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa); Đỗ Thị Điểm (SN 1988, ở xã Trung Hưng; cùng huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và Đỗ Thị Đưa (SN 1990, ở phường Nhân Hoà, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà Đ., đổ xăng xuống nền nhà rồi châm lửa đốt. Hậu quả, bà Đ. và 3 cô con gái bị thương phải đi cấp cứu. Tài sản thiệt hại do vụ cháy khoảng 50.000.000 đồng.

Việc làm của 3 người con gái này đã vi phạm giá trị đạo đức là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, pháp luật sẽ xử lý trường hợp này thế nào? Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt - Giám đốc Công ty Luật Aladin cho biết:

Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án với “Tội giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý.

Theo đó, với các tình tiết định khung tăng nặng là “giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình” và “bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” theo quy định tại điểm đ, điểm l Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, thì khung hình phạt áp dụng trong vụ việc này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự, trường hợp này sẽ được coi là phạm tội chưa đạt. Theo đó: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự thì “đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.

Theo các quy định nêu trên, nếu bị kết án về tội danh Giết người, thì người có hành vi tưới xăng, châm lửa đốt trong vụ việc này sẽ phải đối mặt với hình phạt tù nhưng không quá 20 năm tù.

Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt còn cho biết: Hành động của 3 người con này là hết sức nguy hiểm ngoài việc bị khởi tố với tội danh giết người thì việc họ hủy hoại tài sản của mẹ mình tùy thuộc vào giá trị tài sản bị thiệt hại do vụ cháy, thì vụ việc còn có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật hình sự.

Khung hình phạt áp dụng tùy từng trường hợp và tùy thuộc vào mức độ phạm tội cũng như giá trị tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng. Theo đó, khung hình phạt được chia làm 04 khung như sau:

-Khung thứ nhất từ 06 tháng đến 03 năm

-Khung thứ hai từ 02 đến 07 năm

-Khung thứ ba từ 05 đến 10 năm

-Và khung cuối cùng là từ 10 đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật hình sự, trường hợp kết tội về nhiều tội danh thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất trong các tội danh bị kết tội là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt của hai tội danh đều là phạt tù có thời hạn thì hình phạt cao nhất sẽ không quá 30 năm.

Con cái hành hạ, ngược đãi cha mẹ có những hành động vô nhân tính chứng tỏ một sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng nó hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống đề cao chữ “hiếu” của dân tộc Việt Nam. Pháp luật cần phải xử lý nghiêm những hiện tượng này để răn đe, cảnh tỉnh cho những người khác./.

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên với luật sư Nguyễn Ngọc Đạt dưới đây: