Theo quy định tại Nghị định 123 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng thì kể từ ngày 01/01/2022 những hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt rất nặng. Có thể kể tới hành vi không đội mũ bảo hiểm của người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng thay vì 200.000-300.000 đồng như trước. Nhiều hành vi vi phạm giao thông mức phạt lên tăng gấp 10 lần, có hành vi bị phạt tới 150 triệu đồng.

Hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển không do cơ quan có thẩm quyền cấp; điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển không đúng vị trí; gắn biển không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển… bị phạt từ 4-6 triệu đồng. So với trước đây, hành vi tương tự chỉ bị phạt từ 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng.

Trước đây do chưa có quy định cụ thể và mức xử phạt còn thấp, dẫn đến việc một số chủ phương tiện đối phó bằng cách che, dán biển số làm sai lệch, thậm chí thay biển số trùng với biển số của phương tiện khác làm cho việc xác minh, xử lý rất khó khăn, đ biệt là khi xử lý qua hệ thống camera giám sát. Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 123 của Chính Phủ có quy định: Cá nhân có hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị phạt từ 30-35 triệu; tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi, từ 60-70 triệu đồng.

Chỉ còn 3 mức vi phạm đối với xe chở quá tải trọng

Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, trước đây cơ quan chức năng chia làm 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt cao nhất lên đến 16.000.000 đồng.

Tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, chỉ quy định còn 3 mức xử lý với mức phạt tương ứng như sau:

- Quá tải 10-20%: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng;

- Quá tải 20-50%: Phạt tiền từ 13.000.000 đến 15.000.000 đồng;

- Quá tải trên 50%: Phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng.

Phạt nặng hành vi chở quá khách, qua trạm trốn phí:

Cụ thể: Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75 triệu đồng (Nghị định 100 quy định không quá 40 triệu đồng) đối với chủ phương tiện là cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 150 triệu đồng (mức cũ là 80 triệu đồng) đối với chủ phương tiện là tổ chức giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này.

Đồng thời, quy định phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi phương tiện tham gia giao thông qua các trạm thu phí.

Sử dụng bằng lái xe ô tô quá hạn bị phạt 12 triệu đồng

Hiện nay theo điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với việc sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng dưới 6 tháng chỉ có 400.000 đến 600.000 đồng.

Trong trường hợp Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên thì mức phạt sẽ từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng.

Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã rút thời gian giấy phép lái xe ô tô hết hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 06 tháng xuống còn 03 tháng. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 3 tháng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên.

Ngoài ra, nghị định còn phạt nặng ôtô nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc; tăng mức phạt với mọi trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; chỉ còn 3 mức vi phạm đối với xe chở quá tải trọng; tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép; phạt nặng hơn hành vi đua xe trái phép; thay đổi quy định xử phạt xe chở khách quá số người quy định.

Đặc biệt từ 1/1/2022, phương tiện chở khách không có camera hành trình sẽ bị xử phạt.

Thời hạn bắt buộc lắp camera hành trình đối với phương tiện chở khách là tháng 7/2021, nhưng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành vận tải gặp khó khăn, Chính phủ đã quyết định lùi thời gian xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải đến sau ngày 31/12/2021.

Cũng từ 1/1/2022, xe kinh doanh vận tải không đổi biển số màu vàng sẽ bị xử phạt theo quy định tại Thông tư 58 của Bộ Công an. Mức phạt tối đa với vi phạm này lên đến 8 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng việc tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ chỉ là tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn còn để giao thông an toàn, mấu chốt vẫn nằm ở ý thức của người tham gia giao thông. Trong 10 năm trở lại đây, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được điều chỉnh theo hướng là tăng nặng chế tài xử phạt. Tuy nhiên, việc quản lý làm sao để người vi phạm giao thông không vi phạm mới là giải pháp khó.

"Nếu chúng ta chỉ tăng mức xử phạt mà không xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lại phát sinh những bất cập khác. Các cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển để đẩy mạnh công nghệ số vào việc giám sát các hoạt động giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm. Bên cạnh việc xử phạt nghiêm minh cũng cần tạo ra các cơ chế khuyến khích người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định pháp luật." - ông Quyền nói.