Hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một chính sách tài chính hiệu quả và thiết thực nhằm hỗ trợ, khuyến khich tổ chức, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Thay vì tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế được bù trừ cho thuế giá trị gia tăng nhận được của người mua khi bán ra thì người nộp thuế sẽ được Nhà nước thanh toán ứng trước như một khoản hỗ trợ về vốn để tiếp tục kinh doanh, rút ngắn thời gian quay vòng vốn. Chính sách này được áp dụng tại hầu hết các quốc gia đối với các dự án đầu tư và doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nếu đáp ứng các điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật.

10 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành 15.025 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế hoàn là 112 nghìn 873 tỷ đồng, bằng 70,5% so với ước thực hiện 160 nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội và bằng 91% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai kế toán thuế, Tổng cục Thuế cho biết, hồ sơ, thủ tục, quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế được quy định tại Thông tư số 80/2021 của Bộ Tài chính. Theo đó, hồ sơ hoàn thuế GTGT được phân thành 02 loại là hồ sơ hoàn trước kiểm sau và hồ sơ kiểm tra trước hoàn.

Thời hạn giải quyết đối với hồ sơ thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau là 06 ngày làm việc; hồ sơ kiểm tra trước hoàn là 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận hồ sơ để nghị hoàn thuế.

Hiện nay, lợi dụng chính sách, nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, phức tạp để gian lận tiền hoàn thuế GTGT khiến cho cơ quan thuế phải mất nhiều thời gian và cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan liên quan để xác định số tiền đủ điều kiện hoàn thuế. Do đó, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thuế minh bạch, chính xác và đúng thời gian theo quy định.

"Đảm bảo khi giải quyết hoàn thuế không phát sinh thêm thủ tục hành chính nhưng cũng phải kịp thời ngăn ngừa, phát hiện hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của NSNN" - bà Lê Thị Duyên Hải,Vụ trưởng Vụ kê khai kế toán thuế, Tổng cục Thuế.

Trong năm 2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quy trình quản lý hoàn thuế mới; Ban hành bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa cho doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế GTGT. Đầu tháng 11/2023, ngành thuế đã triển khai ứng dụng phân tích rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động theo quản lý rủi ro.

Việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo thống nhất trong công tác hoàn thuế GTGT, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của cán bộ thuế, cơ quan thuế vào việc quyết định các biện pháp đối với người nộp thuế, nâng cao tính công khai, minh bạch, vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế, đồng thời góp phần phòng chống gian lận, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Mời quý vị nghe bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai, kế toán thuế, Tổng cục Thuế thông tin về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh công tác hoàn thuế GTGT tại đây: