Vòng đời của một doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh thường chia làm 7 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn “gieo hạt” khởi động, phát triển, ổn định, mở rộng, suy thoái và cuối cùng là tan rã. Trong đó, tan rã là giai đoạn mà chủ thể doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, rút lui khỏi thị trường. Việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp thông thường được thực hiện dưới nhiều cách thức khác nhau và phổ biến hiện nay là giải thể doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.200 doanh nghiệp (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước), 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 28,9%), 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 2,8%). Như vậy trung bình mỗi tháng có 16.700 doanh nghiệp đóng cửa.

Nguyên nhân của tình trạng này là do giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng, trong khi sức mua của nền kinh tế cả trong nước và thế giới đều suy giảm, gây khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm dẫn đến một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án kinh doanh khả thi dẫn tới phải giảm bớt lao động, thậm chí phải quyết định giải thể.

“Năm nay thật sự là rất là khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả hai năm dịch Covid – 19, đứng trước đà suy thoái của nền kinh tế, doanh nghiệp tôi bị ảnh hưởng rất lớn. Đơn hàng ít, thua lỗ nhiều, rất khó để duy trì hoạt động”, anh Hồ Văn Việt, chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển nhận định.

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm của chị Ngô Thị Thảo gặp nhiều khó khăn, hầu như chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ, lẻ. Trong khi những chi phí để duy trì hoạt động không thể cắt giảm. Sau một thời gian cầm cự, chị Ngô Thị Thảo phải đưa ra quyết định giải thể khi không thể trụ vững trên thương trường.

Để tạo cơ sở pháp lý giúp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và giảm thiểu tối đa những hệ lụy về mặt kinh tế - xã hội, pháp luật các quốc gia nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng đều quan tâm và xây dựng chế định về giải thể doanh nghiệp.

Theo Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giải thể, bao gồm: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn, theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Luật sư Phạm Văn Liêm, Công ty Luật TNHH Nước Việt cho biết: theo Khoản 2, Điều 207 Luật Doanh nghiệp quy định: Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong các giao dịch với Doanh nghiệp, vì khi Doanh nghiệp đã bị giải thể thì cũng đồng nghĩa là pháp nhân đó chấm dứt sự tồn tại và hậu quả sẽ rất phức tạp liên quan đến việc kế thừa quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp bị giải thể nếu không đảm bảo thực thi điều này.

Ngoài ra, trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Điều này cũng nhằm đảm bảo các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hoạt động của các đơn vị phụ thuộc của Doanh nghiệp phải được thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.

Cùng với đó, khi chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo quyền lợi đối với những người có liên quan tại công ty như: người lao động, chủ nợ, đối tác kinh doanh, cơ quan nhà nước.

Mời nghe âm thanh tại đây: