Mới đây, cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi khẩn cấp 3 lô sản phẩm, gồm mì ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Acecook (Việt Nam), cùng với mì ăn liền Yato Seafood của Trung Quốc với lí do vì có hàm lượng ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Một lần nữa, mỳ tôm nói riêng thực phẩm ăn liền nói chung và vấn đề quyền lợi của người tiêu dùng lại được nhắc tới.

Khi thực hư của thông tin chưa được làm sáng tỏ tại Việt Nam thì người tiêu dùng đã có tâm lý lo lắng và e ngại khi sử dụng mì ăn liền Hảo Hảo nói riêng và một số loại thực phẩm ăn liền khác như phở gói và miến. Anh Nguyễn Văn Tuấn ở thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện giãn cách xã hội theo quy định, gia đình tích khá nhiều mì tôm Hảo Hảo, giờ nghe thông tin này, không biết thực hư thế nào, bỏ thì tiếc, mà ăn thì cảm thấy không còn ngon miệng. Chị Phan Thu Hà ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cũng tỏ ra e ngại nên tạm thời ngừng sử dụng mì Hảo Hảo, việc có tiếp tục sử dụng sau này hay không thì còn tùy thuộc vào kết luận của cơ quan chức năng.

Luật sư Lê Văn Hà cho rằng, mỳ gói và các thực phẩm ăn liền là mặt hàng thiết yếu mà hầu hết các hộ gia đình đều tích trữ khi thực hiện giãn cách xã hội. Thông tin sản phẩm mì ăn liền bị thu hồi vì có hàm lượng EO vượt ngưỡng vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng càng khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an, lo ngại. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm mì ăn liền bị thu hồi trên thế giới. Do đó theo luật sư Hà, người dân cần cân nhắc, theo dõi các thông tin chính thức từ cơ quan quản lý Nhà nước. Chính phủ hiện cũng đã có yêu cầu Bộ Công thương có báo cáo chính thức về vấn đề này chậm nhất là vào ngày 7/9.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam đã lên tiếng phản hồi về việc một số lô mì và miến ăn liền từ Acecook Việt Nam bị Ireland thu hồi do sử dụng chất Ethylene Oxide:

"Nhiều sản phẩm của công ty được xuất khẩu trên 40 nước, trong đó có Ireland và công ty chúng tôi luôn coi trọng sự minh bạch, sự thật, chất lượng sản phẩm. Về 2 loại sản phẩm bị cơ quan thực phẩm Ireland thu hồi, là sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa. Chúng tôi cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường tuyệt đối tuân thủ quy định của Việt Nam, châu Âu, Nhật, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác về việc không sử dụng chất EO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu, sản xuất, lưu trữ. Chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng đối với nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hữu hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm".

Nhận định về thông tin mì ăn liền Hảo Hảo của Acecook bị thu hồi vì có hàm lượng EO vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn Châu Âu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Việc sử dụng chất Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe ngay, nhưng có thể gây ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài. Trước hết cần phải xác minh và làm rõ giữa hai dòng sản phẩm bị cơ quan An toàn thực phẩm Ireland thu hồi có cùng dây truyền sản xuất với hai dòng sản phẩm bán tại Việt Nam hay không? Trên cơ sở đó sẽ có hướng xử lý phù hợp. Hiện tại Thông tư 50/2016/TT-BYT Quy định mức tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm không đưa chất EO vào danh mục chất cấm sử dụng, do đó theo ông Hùng cần sửa đổi bổ sung quy định về vấn đề này cho phù hợp với quy định của quốc tế để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Lê Văn Hà và ông Nguyễn Mạnh Hùng xung quanh vấn đề sản phẩm ăn liền bị thu hồi ở thị trường nước ngoài tại đây: