Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương và 179 điều. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Luật là người chưa thành niên và những đối tượng có liên quan, cụ thể là:
- Người chưa thành niên phạm tội có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Người chưa thành niên là người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi;
- Bị hại là người dưới 18 tuổi trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra;
- Người làm chứng là người dưới 18 tuổi;
- Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm người chấp hành biện háp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng.
- Người đại diện của người chưa thành niên bao gồm cha, mẹ, người giám hộ, người do Tòa án chỉ định.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Hồng Bách và cộng sự cho biết, một trong những quy định đáng chú ý tại Luật Tư pháp người chưa thành niên là khi mở phiên tòa cho người chưa thành niên phải đảm bảo có phòng xét xử thân thiện, cách bố trí phòng xét xử thân thiên, trang phục khi xét xử thân thiện như: Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng; người chưa thành niên là bị cáo tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người bào chữa, người đại diện của họ; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án; Kiểm sát viên mặc trang phục phù hợp, không mặc trang phục kiểm sát nhân dân. Khi xét xử, người chưa thành niên phạm tội không bị còng tay hoặc áp dụng các biện pháp mang tính cưỡng chế khác. Người làm công tác xã hội có mặt tại phiên tòa trình bày báo cáo điều tra xã hội và báo cáo điều tra xã hội bổ sung (nếu có), đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan.
Đặc biệt, khi xét xử, nếu xét thấy người chưa thành niên có đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì Hội đồng xét xử xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người phạm tội - Luật sư Bách cho biết.
Các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên phạm tội bao gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn tới người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương tình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.