Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, làm 7.923 người bị nạn, 754 người chết, tăng hơn 1.200 vụ so với năm 2021.

Theo bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn lao động (TNLĐ) do thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn, điều kiện lao động ở nhiều doanh nghiệp không đảm bảo. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, áp lực công việc, tiến độ đơn hàng và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp đã tác động không nhỏ đến sức khỏe người lao động. Theo ước tính của Bộ Y tế, con số người lao động bị ảnh hưởng về sức khỏe lên đến hàng chục triệu người. Cùng với đó, căng thẳng xung đột tại nơi làm việc cũng là một trong những nguyên nhân khiến xảy ra tai nạn lao động.

TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cho biết, trách nhiệm của NSDLĐ trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động đã được quy định cụ thể, rõ ràng tại Bộ luật Lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

"Người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định về an toàn, nội quy, quy trình, cũng như các biện pháp đảm bảo ATLĐ cho người lao động, trang bị các công cụ phương tiện an toàn, cũng như thực hiện việc chăm sóc sức khỏe định kì và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nếu các yếu tố môi trường nguy hiểm, trong đó có quy định không được buộc người lao động làm việc trong những nơi làm việc đang xuất hiện những nguy cơ có thể gây tai nạn, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người lao động. Tổ chức bộ máy giám sát, bố trí những người làm công tác an toàn, thực hiện trách nhiệm khai báo, điều tra, thống kê các tai nạn và sự cố kĩ thuật cũng như chấp hành các quy định khác và phối hợp với tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức của mình để đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động." - TS. Nguyễn Anh Thơ cho biết.

Quy định đã có, vì vậy, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, để đảm bảo ATLĐ cho người lao động, doanh nghiệp cần thực hiện đúng, đủ những quy định của pháp luật về ATLĐ, đồng thời cả người sử dụng lao động và người lao động đều phải tham gia huấn luyện ATVSLĐ. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình đào tạo, huấn luyện ATLĐ bị mai một sau thời gian ngưng trệ sản xuất vì dịch COVID-19 nên trong thời gian sắp tới, Cục An toàn lao động sẽ có những biện pháp để các công ty, doanh nghiệp triển khai công tác này tích cực và hiệu quả hơn:

"Tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ đến các đối tượng, chủ thể có liên quan đặc biệt thông qua tháng hành động ATVSLĐ để thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ đặc biệt là công tác huấn luyện ATVSLĐ."

Cũng theo bà Chu Thị Hạnh, các doanh nghiệp không bắt buộc phải mời đơn vị đào tạo ATLĐ về đào tạo mà có thể tự huấn luyện ATVSLĐ khi có đủ các điều kiện được quy định tại Nghị đinh số 44/2016 và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP và phải chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện.

Doanh nghiệp đủ điều kiện huấn luyện hạng A thì có thể tự công bố trên trang thông tin điện tử và gửi thông báo đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện là huấn luyện Hạng B thì gửi hồ sơ lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để được cấp phép. Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện huấn luyện hạng C thì gửi lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Qua Cục ATLĐ) để được cấp phép.

Ngoài trách nhiệm chủ động đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động còn phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cho người lao động và phải chịu trách nhiệm nếu người lao động xảy ra TNLĐ, cũng như chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia các loại hình BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong luật BHXH.