Pháp luật hiện hành không có quy định về khái niệm thế nào là lối đi chung. Tuy nhiên trên thực tế, lối đi chung có thể hiểu là phần diện tích đất được sử dụng làm lối đi chung của nhiều hộ gia đình hoặc nhiều chủ sử dụng các thửa đất khác nhau, để đi ra đường giao thông công cộng.
Xét về nguồn gốc thì lối đi chung có thể là các lối đi có sẵn, được hình thành trong thời gian dài, hoặc do Nhà nước mở để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân nên sẽ là đất công, thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các lối đi chung cũng có thể được hình thành trong quá trình phân chia, chia tách các thửa đất, do các chủ sử dụng đất đã tự thỏa thuận với nhau để một phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của họ làm lối đi chung cho các thửa đất sau khi tách thửa. Các đồng chủ sử dụng đất này cũng không từ bỏ mà vẫn duy trì quyền sử dụng hợp pháp của mình đối với phần lối đi này, khi đó phần đất lối đi chung này có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thể hiện trên Giấy chứng nhận là phần đất thuộc quyền sử dụng chung của các đồng chủ sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trong thực tế, các tranh chấp hoặc khiếu kiện liên quan đến lối đi chung là rất phong phú, đa dạng, đó có thể là tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất, cũng có thể là các khiếu kiện, tố cáo liên quan đến việc lấn chiếm hoặc xây dựng trái phép trên lối đi chung, hoặc là các hành vi khác cản trở việc sử dụng lối đi chung .v.v.. Do đó, tùy thuộc vào nội dung của từng vụ việc cụ thể mà sẽ có các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khác nhau, đó có thể là Tòa án hoặc Chủ tịch UBND các cấp hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong vụ việc đó (vi phạm về xây dựng, hoặc đất đai.v.v.).
Nếu lối đi chung đó là thuộc đất công cộng, thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì người dân có quyền mở cổng và sử dụng lối đi chung này.
Nếu lối đi chung được hình thành do các gia đình, chủ sử dụng đất khác tự nguyện sử dụng một phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình làm lối đi chung cho riêng họ, không phải là đất giao thông công cộng thì lối đi này vẫn thuộc quyền sử dụng chung hợp pháp của các đồng chủ sử dụng đất này. Khi đó, nếu không có sự đồng ý của các đồng chủ sử dụng đất thì người dân không có quyền mở cổng để sử dụng lối đi này.
Mời quý vị nghe luật sư Nguyễn Đức Hùng tư vấn về giải quyết tranh chấp lối đi chung qua trường hợp cụ thể của gia đình ông Hà Đình Hiển ở xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội: