Hiện nay, số người tâm thần có xu hướng gia tăng đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn. Theo thống kê, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Trong đó, tâm thần phân liệt là 0,47% dân số, trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…

Để trợ giúp người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, luật, chính sách về an sinh xã hội trong đó có các quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và các cơ sở trợ giúp xã hội, trợ giúp y tế, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm, hướng nghiệp và một số dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ ban hành một số văn bản liên quan đến lĩnh vực trợ giúp xã hội như Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, QĐ 112, QĐ 1215, QĐ 1929 tiếp nối, QĐ 1190 về TGXH voi người khuyết tật và nhiều Chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội có liên quan về trợ giúp xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; trong đó có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng như Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên, Trung tâm điều dưỡng và PHCN người tâm thần Việt Trì.

Theo ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các trung tâm bước đầu thực hiện mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế để phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, phục hồi chức năng người tâm thần và các Trung tâm Công tác xã hội đã tổ chức cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tổ chức quản lý trường hợp đối với 60.000 đối tượng là người tâm thần tại cộng đồng.

Các trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội như: tư vấn (hotline) cho người tâm thần và gia đình, đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng để cung cấp những hỗ trợ tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc, quản lý trường hợp, trị liệu tâm lý cho đối tượng; hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội theo quy định của pháp luật, vận động xã hội hỗ trợ đối tượng, hỗ trợ chăm sóc đối tượng tại giai đình, cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội về lĩnh vực chăm sóc, phục hồi chức năng cho đối tượng, cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng, cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp liên quan đến rối loạn tâm lý, khủng hoảng tâm lý. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, một số địa phương đã xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Các mô hình tổ chức lao động sản xuất, phục hồi chức năng cho đối tượng.

Phần lớn các cơ sở này đã liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân, tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần cho đối tượng như Trung tâm Điều dưỡng và phục hồi chức năng tâm thần tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Sơn La, Việt Trì, Ninh Bình, Hà Nội và Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An… Một số trung tâm đã tự bảo đảm thực phẩm hàng ngày cho đối tượng và còn cung cấp thực phẩm, sản phẩm ra ngoài thị trường.

Thực tế cho thấy, hiện có khoảng 200 nghìn người mắc bệnh tâm thần nặng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và chỉ có khoảng 10 nghìn người tâm thần, được chăm sóc và phục hồi chức năng trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Điều này đã khiến cho công tác trợ giúp xã hội cho người tâm thần gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để làm tốt công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách pháp luật về trợ giúp XH, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm y tế, điều trị trị liệu phục hồi chức năng cũng như nghiên cứu, đánh giá, đề xuất, sửa đổi, ban hành các chính sách pháp luật như Luật người khuyết tật, Luật trợ giúp xã hội, Nghị định về công tác xã hội và nhiều chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội có liên quan.

Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt các dịch vụ phát hiện sớm người mắc bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí; tổ chức tập huấn cho các cán bộ, đội ngũ nhân viên hỗ trợ là những người làm việc trực tiếp với người tâm thần. Cùng với đó là phát triển mạng lưới các cơ sở làm nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, quan tâm đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp. Và hơn hết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, văn bản có liên quan cũng phải được đẩy mạnh để cả xã hội cùng quan tâm, chăm sóc người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

Mời nghe bài viết tại đây: