Luật sư Nguyễn Đức Hùng trao đổi về việc ủy quyền quản lý sử dụng và chuyển nhượng nhà đất:
Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Đồng thời, tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Như vậy, công dân có quyền ủy quyền cho người khác, để đại diện, thay mặt cho mình toàn quyền định đoạt, hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, kể cả đối với tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Thạc sỹ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cty Luật TNHH Thiện Duyên cho biết, thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Đây là quy định tại Điều 563 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hợp đồng ủy quyền quản lý, sử dụng, chuyển nhượng nhà đất sẽ chấm dứt, không còn hiệu lực, đồng thời quyền và nghĩa vụ của các bên cũng chấm dứt theo khi người ủy quyền chết. Khi đó, bên được ủy quyền sẽ không còn quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của bên ủy quyền nữa. Khi đó, tài sản này sẽ trở thành di sản thừa kế của bên ủy quyền, và thuộc quyền định đoạt của các đồng thừa kế của bên ủy quyền theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, nếu trước khi bên ủy quyền chết mà bên được ủy quyền đã định đoạt, chuyển nhượng tài sản cho bên thứ ba (theo đúng nội dung và phạm vi ủy quyền) thì giao dịch, hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa bên được ủy quyền và bên thứ ba vẫn có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, tài sản đó sẽ không còn là di sản thừa kế của bên ủy quyền - luật sư Hùng lưu ý./.