Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Ước tính trong năm nay đạt 14,7 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Kết quả này nhấn mạnh thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với đó là gia tăng tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Điều này đã khiến cho người tiêu dùng đang dần mất niềm tin với hoạt động mua bán trực tuyến trên cả các sàn thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo, Tiktok...
Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thương mại điện tử, tính đến hết năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường cho biết, đặc điểm của thương mại điện tử là không phải tiếp xúc giữa người bán và người mua, không phụ thuộc vào địa lý, các phương thức thanh toán thông qua qua điện tử như internet banking dẫn đến việc mua bán giữa hai bên rất dễ dàng. Chính vì vậy, thời gian qua, các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng không đúng như quảng cáo.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.
Bán hàng không rõ nguồn gốc là hành vi trái pháp luật. Những hành vi này không những ảnh hưởng đến uy tín người bán mà trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng, những sản phẩm hàng hóa khác. Vì vậy, hiện nay, pháp luật cũng có những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi này. Theo đó, tuỳ theo tính chất và mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác cụ thể như sau:
(1) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:
- Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;
- Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;
- Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
- Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
(2) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.
(3) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
(4) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
(5) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.
(6) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.
(7) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.
(8) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
(9) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.
(10) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
(11) Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
(12) Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
- Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
- Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp: