Trên thực tế, việc chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ, đặc biệt là những bệnh nhân nặng đang là vấn đề rất lớn đối với các gia đình khi những người chăm sóc chưa được trang bị kiến thức cũng như tâm lý để thực hiện công việc này. Vậy, để chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ tại nhà một cách hiệu quả, chúng ta cần thực hiện ra sao? Sự sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như kỹ năng chăm sóc của gia đình có vai trò như thế nào trong quá trình phục hồi của người bệnh?
TS-BS Nguyễn Hồng Quân – Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh - BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (8/2 đến 15/2/2024), khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và chuyển tuyến đến điều trị với số lượng rất lớn. Ngày mùng 4 Tết, đơn vị thu dung, điều trị nhiều nhất, 15 bệnh nhân, tăng 20-30% so với ngày thường.
Đột quỵ não được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, hoặc nếu có cứu được thì cũng để lại nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng các chức năng cơ thể. Cơ yếu đi và có thể liệt nửa người. Điều này gây trở ngại cho sự thăng bằng, gây mệt mỏi và giảm vận động; khó khăn trong việc nuốt; tầm nhìn bị thay đổi; đi vệ sinh không tự chủ. Ngoài ra, người bệnh còn rối loạn giao tiếp. Suy giảm trí nhớ và tư duy. Thay đổi cảm xúc và hành vi…
Việc chăm sóc người thân bị đột quỵ thực sự là một quá trình khó khăn, có lẽ trước hết là việc chăm sóc về tâm lý cho người bệnh. Khoảng 30-50% bệnh nhân sẽ bị trầm cảm tại một số thời điểm trong quá trình phục hồi. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân. Khi người bệnh có những dấu hiệu trầm cảm như cảm thấy tuyệt vọng, mất hứng thú trong các sở thích trước đây, những thay đổi trong sự thèm ăn và rối loạn giấc ngủ... cần hỏi ý kiến bác sĩ và kịp thời đến các chuyên khoa để điều trị ngay.
TS-BS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, việc chăm sóc dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với người bệnh sau đột quỵ. Một số bệnh nhân khó tiêu thụ đủ lượng calo cần thiết. Có nhiều trường hợp, người bệnh bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng trước khi bị đột quỵ. Những vấn đề này có thể cản trở khả năng phục hồi sau đột quỵ, tăng nguy cơ tàn tật lâu dài và có thể mắc các bệnh lý khác.
Ở mức độ nhẹ, người bệnh còn ăn bằng miệng được nhưng có rối loạn về nuốt, người chăm sóc cần chú ý cho người bệnh ăn dịch đặc và thức ăn ấm, điều này sẽ giúp người bệnh dễ nuốt hơn. Nếu ăn thịt nên ăn thịt hầm nhừ hay các loại thức ăn có nước sốt. Nên ăn và nuốt thật chậm, từng ít một. Ăn nhiều bữa nhỏ đầy đủ dinh dưỡng.
Nếu bệnh nhân phải ăn qua ống xông thì người nhà cần phải đúng cách, thức ăn để nuôi qua ống thông cần phải lỏng, tránh gây tắc nghẹt ống. Thực phẩm cần đảm bảo đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, đủ vitamin, chất khoáng… Chú ý vệ sinh ống xông cẩn thận tránh nhiễm khuẩn.
Theo TS-BS Nguyễn Hồng Quân, ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng, các gia đình cũng cần được trang bị về kỹ năng chăm sóc vệ sinh cá nhân cho người bệnh sau đột quỵ não tại nhà. Vệ sinh răng miệng cần được thực hiện thường xuyên, kể cả đối với người bệnh ăn qua ống xông. Thay bỉm và vệ sinh vùng kín đúng cách, tránh nguy cơ viêm nhiễm. Đối với bệnh nhân bị liệt cần lau người và cho nằm nghiêng để tránh bị viêm loét da.
“Tập vật lý trị liệu hay phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình hồi phục của người bệnh sau đột quỵ. Khi về nhà, việc tập luyện vẫn cần được người thân hỗ trợ để người bệnh sau đột quỵ cảm thấy hứng thú và kiên trì với việc tập luyện. Điều này giúp cho quá trình hồi phục được hiệu quả đối với bệnh nhân mức độ nhẹ và tránh các di chứng đối với bệnh nhân nặng”- BS Quân nói.
Lo lắng những cơn đột quỵ tái phát là một thực tế đối với người bệnh và gia đình. Một nghiên cứu cho thấy, khoảng hơn 18% bệnh nhân đột quỵ đã phải nhập viện trong 5 năm sau cơn đột quỵ đầu tiên của họ. Nguy cơ tái phát đột quỵ luôn hiện hữu và do đó điều quan trọng là người chăm sóc phải hiểu các triệu chứng của đột quỵ ngay cả đối với bệnh nhân sau đột quỵ.
Việc tuân thủ điều trị đối với người bệnh sau khi rời viện về nhà cần được quan tâm để tránh nguy cơ tái phát như việc uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Để phòng tránh tái phát đột quỵ, việc thay đổi lối sống, thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh, tích cực ở người bệnh cần được thực hiện dưới sự động viên, chăm sóc của người thân.
“Những người thân trong gia đình, đặc biệt là người chăm sóc trực tiếp người bệnh cũng là những người cần được quan tâm về sức khỏe tinh thần, về tâm lý. Người thân sẽ không thể chăm sóc tốt người bệnh nếu như chưa được chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, về tinh thần. Vì thế, người thân, gia đình của người bệnh cũng cần thực hiện các biện pháp cân bằng về tâm lý, tìm kiếm sự tư vấn từ các bác sĩ và học hỏi thêm các kiến thức chăm sóc người bệnh để tránh tình trạng căng thẳng hoặc khó chịu trong quá trình chăm sóc” - BS Quân chia sẻ.
Để chăm sóc người bệnh sau đột quỵ tại nhà, người thân trong gia đình gần như phải thay đổi đáng kể cuộc sống của mình, phải trở thành người bạn, người đồng hành “đáng tin cậy” cho người bệnh cả về mặt tâm lý và các chăm sóc y tế. Không ít trường hợp bệnh nhân đã có quá trình hồi phục kỳ diệu khi nhận được sự chăm sóc chu đáo, khoa học và đầy yêu thương của thấy thuốc, gia đình, người thân.
TS-BS Nguyễn Hồng Quân cũng mong muốn thời gian tới, nước ta sẽ có những mô hình cần thiết hỗ trợ bệnh nhân sau đột quỵ cũng như người nhà của họ vượt qua những khó khăn và thách thức trong quá trình chăm sóc và điều trị phục hồi, giúp người bệnh sau đột quỵ không chỉ sống sót mà còn chiến thắng bệnh tật và có cuộc sống tốt hơn.
Mời nghe TS-BS Nguyễn Hồng Quân tư vấn tại đây: