TS. BS Vũ Thái Hà – Phụ trách phòng khám da liễu Thái Hà ở địa chỉ số 8, ngõ 26, phố Hoàng Cầu, Hà Nội cho biết, cấu trúc da được chia làm 3 lớp chính: thượng bì, trung bì và hạ bì. Trong đó lớp thượng bì có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa độ ẩm của làn da. Bình thường lớp thượng bì có các chất giữ ẩm tự nhiên và tùy điều kiện trên bề mặt da mà nó sản sinh chất dưỡng ẩm nhiều hay ít. Không chỉ trong mùa hanh khô mà cả các thời điểm khác trong năm chúng ta cũng cần dưỡng ẩm cho da. Bởi, nếu không có sự cân bằng về độ ẩm trên bề mặt da với các lớp tế bào bên dưới, da sẽ càng tiết ra nhiều chất nhờn hơn và đây chính là nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá và tình trạng thô sần của làn da.
Trong mùa lạnh, có một số thói quen khiến da chúng ta bị dễ bị nứt nẻ và khô ráp, đó là việc lười uống nước. “Khi độ ẩm môi trường trên 70%, các tế bào sừng trong lớp thượng bì sẽ lấy nước từ môi trường bên ngoài để giúp giữ ẩm tự nhiên cho làn da. Nhưng khi độ ẩm của môi trường xuống dưới 70% thì nó sẽ lấy nước từ tế bào bên trong. Nếu chúng ta không cung cấp đủ nước cho cơ thể, làn da sẽ bị thiếu nước.” BS Thái Hà phân tích.
Thói quen tắm hay rửa mặt bằng nước quá nóng trong mùa đông cũng là một nguyên nhân làm khô da. Vì nước nóng sẽ làm tan lớp mỡ dưới da và tạo ra các “khe hở” khiến hơi nước thoát ra nhiều hơn. Đồng thời việc tiếp xúc với các chất tẩy rửa quá nhiều cũng sẽ khiến da bị khô. Vì vậy, trong mùa đông, chúng ta cần chú ý đến việc uống đủ nước và bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất để giúp da không bị khô nẻ và căng mịn hơn.
TS.BS Vũ Thái Hà hướng dẫn, song song với việc bổ sung nước, cấp ẩm cho da từ bên trong thì việc dưỡng ẩm da từ bên ngoài cũng cần được chú trọng. Tuy nhiên, để chọn được loại kem dưỡng ẩm phù hợp, mỗi người cần phải biết da của mình thuộc loại gì (ví dụ như da nhờn, da khô hay da hỗn hợp…), tình trạng của da thế nào (có bị viêm da cơ địa, mụn trứng cá hoặc bệnh vảy nến hay không) và môi trường làm việc ra sao. Vì vậy, bạn nên đọc và tìm hiểu kỹ thành phần của các loại kem dưỡng ẩm hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu trước khi chọn lựa và sử dụng sản phẩm này .
Ngoài ra, để việc dưỡng ẩm đạt hiệu quả tốt nhất, với các vùng da khác nhau, bạn nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm chuyên biệt, dành riêng cho vùng đó. Ví dụ: da mặt có nhiều dầu (nếu có) thì nên bôi những chất kem lỏng nhẹ, thấm nhanh tránh gây bít tắc lỗ chân lông. Vùng tay và chân, da dầy hơn thì nên chọn loại kem có nồng độ chất dưỡng ẩm nhiều hơn.
TS.BS Thái Hà cũng cho biết, kem dưỡng ẩm của một số hãng mỹ phẩm được chia thành hai loại dùng cho ban ngày và ban đêm. Kem dưỡng da mặt ban ngày thường có kết cấu mỏng nhẹ và thấm nhanh để da mặt không cảm thấy nặng nề, bết dính hay khó chịu. Kem dưỡng ban đêm thường có kết cấu đậm đặc và có một số chất giúp tái tạo làn da, chống viêm, ngăn ngừa lão hóa và có thể khiến da tăng nhạy cảm ánh sáng hơn. “Kem dưỡng ẩm ban ngày bạn có thể dùng cho ban đêm nhưng không nên dùng kem ban đêm cho ban ngày” – BS Thái Hà khuyến cáo.
Hiện nay trên thị trường có một số loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng cấp ẩm cho da. BS Thái Hà giải thích, loại thực phẩm chức năng đó thực chất là các loại vitamin và chất khoáng, cùng với nước chúng ta bổ sung vào cơ thể để giúp cung cấp độ ẩm cho da. Đây không phải là “thần dược” giúp da tươi trẻ, mịn màng chỉ sau một đến hai tuần sử dụng như quảng cáo. “Do đó, chúng ta không nên “thần thánh hóa” các sản phẩm này. Vitamin và chất khoáng rất tốt cho sức khỏe và cho làn da nhưng thông thường các thực phẩm chức năng phải dùng phải kéo dài ít nhất trong 6 tháng mới có tác dụng.”. BS Vũ Thái Hà nhấn mạnh.