Ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Bệnh không lây nhiễm đang là một gánh nặng, một thách thức đối với ngành y tế cũng như toàn xã hội.
Với tỷ lệ dân số mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, việc củng cố hệ thống y tế, trong đó có y tế cơ sở để phòng ngừa, phát hiện sớm và quản lý, điều trị người bệnh lâu dài hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo TS Trần Tuấn – Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng hiện nay, ở nước ta mức độ bao phủ các dịch vụ thiết yếu về phát hiện, dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm chưa cao, chưa triển khai một cách hệ thống và rộng khắp.
Bên cạnh đó, mặc dù mạng lưới y tế đã bao phủ đến tận thôn bản, với trên 11.400 trạm y tế xã, hơn 600 bệnh viện tuyến huyện, tuy nhiên, tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở hầu hết các trạm y tế xã, phường chưa cung cấp đầy đủ các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng. Nguyên nhân bởi tuyến này đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.
“Căn nguyên gây bệnh không lây nhiễm có nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả yếu tố tích cực và yếu tố bất lợi gây ảnh hưởng đến bệnh. Điều trị bệnh mãn tính là điều trị không phải chỉ có thuốc mà bao gồm cả các vấn đề về hành vi, lối sống và vấn đề môi trường. Cho nên phần kiến thức, kỹ năng của đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cần khám, tư vấn, phát hiện, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm là một thách thức đối với y tế cơ sở. Thách thức thứ hai là sự phát triển của công nghệ thông tin. Hiện nay tuyến y tế cơ sở của chúng ta có độ bao phủ lớn nhưng chúng ta đang bị thách thức ở chỗ các thông tin về bệnh không lây nhiễm rất sẵn trên mạng internet và các phương tiện truyền thông, nếu tuyến y tế cơ sở không được trang bị và cung cấp kiến thức, đào tạo tốt thì không cạnh tranh nổi với công nghệ thông tin” – BS Trần Tuấn nhận định.
Ngoài vấn đề về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, theo TS Trần Tuấn, các cơ chế, chính sách về tài chính, về BHYT… tại tuyến y tế cơ sở cũng có một số điểm bất cập, tác động tới hoạt động của mạng lưới này. Cũng có một thực tế là cán bộ nhân viên y tế trạm y tế lương thấp, dù quản lý ít hay nhiều bệnh nhân không lây nhiễm thì thu nhập vẫn thế, không tăng thêm.
“Tôi cho rằng, tuyến y tế cơ sở cần được trợ cấp hoàn toàn. Nguồn tài chính của Nhà nước đảm bảo 100% và thường xuyên cho các hoạt động dự phòng, điều trị bệnh tật, bao gồm cả bệnh không lây nhiễm và phải đảm bảo mức thu nhập, mức sống cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở. Nếu như để cho y tế cơ sở phải cạnh tranh với bệnh viện tuyến trên thì sẽ thất bại” – TS Trần Tuấn đề xuất.
Với tình trạng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh trong cộng đồng, nếu như người dân không được tiếp cận các dịch vụ can thiệp dự phòng, không được sàng lọc, phát hiện sớm ngay tại cộng đồng, từ tuyến y tế cơ sở thì hậu quả về kinh tế - xã hội sẽ vô cùng lớn.
Để nâng cao năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở, nhằm thực hiện tốt việc can thiệp yếu tố nguy cơ, sàng lọc, phát hiện sớm cũng như quản lý các bệnh không lây nhiễm cần có sự quan tâm, đầu tư đồng bộ cả về chính sách, kinh phí và đào tạo nhân lực.
Mới đây Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 2140/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Việc ban hành văn bản này là cần thiết, song theo TS Trần Tuấn vẫn chưa đủ mạnh để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.
“Tôi thiết nghĩ ngoài văn bản này ra, phải xây dựng, thiết lập được một khung hành động về phòng, chống bệnh không lây nhiễm, giao cho ngành y tế làm trách nhiệm điều phối chính và cùng với sự tham gia vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, thậm chí là phải đưa vào luật. Không chỉ nước ta có gánh nặng của bệnh không lây nhiễm. Đây là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình phòng chống bệnh lây nhiễm đã được đưa ra trong các nghị quyết của của Liên Hợp Quốc. Tôi cho rằng với những hướng dẫn của Liên Hợp Quốc, của thế giới thì chúng ta cứ chiếu theo đúng như thế và thực hiện. Nhưng quan trọng là quyết tâm chính trị và phân công cụ thể từng công việc cho từng đơn vị, ban ngành" – TS Trần Tuấn nói.