22h00 đêm ngày 31/10 vừa qua, bé Đinh Hà Phương, 7 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội nhập viện trong tình trạng chân trái không vận động được đã được Bệnh viện tuyến dưới nẹp gỗ tạm thời.
Theo như lời kể của chị Nguyễn Thị Huế, mẹ bé Phương thì tối đó, cháu đi chơi với bạn. Cả nhóm ngồi trên một ghế đá đã bị bập bênh trước đó, do có một bạn nghịch đẩy nên ghế bị lật và đè vào chân bé.
Sau khi thăm khám, chụp X quang, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Hà Nội chẩn đoán Phương bị gãy kín 1/3 thân giữa xương đùi và được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng kỹ thuật đóng đinh nội tủy trên màn hình tăng sáng C-arm. Ths.BS Nguyễn Đăng Bằng, khoa Ngoại Tổng hợp – người trực tiếp phẫu thuật cho bé Phương cho biết đây là kỹ thuật ít xâm lấn, xu hướng mới trên thế giới và mới áp dụng ở BV Nhi Hà Nội.
Với kỹ thuật này, các bác sĩ mổ nội soi, chỉ rạch một đường mổ rất nhỏ 1cm, do đó giảm đau và không ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho bệnh nhân. Khác hẳn với phương pháp trước đây là phẫu thuật bằng nẹp vít, đường mổ dài khoảng 15-20cm, dễ gây tình trạng chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ, đồng thời để lại sẹo xấu…
“Trước đây, đường mổ dài, phẫu tích bộc lộ cũng như là can thiệp vào căn cơ bóc tách cơ của bệnh nhân, sử dụng vít có thể gây ra tình trạng chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ rất cao. Ngoài ra, đường mổ lớn, can thiệp vào cơ đùi của bệnh nhân cũng sẽ gây hạn chế trong quá trình tập phục hồi chức năng của bệnh nhân sau này. Bệnh nhân có sẹo mổ dài, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của bệnh nhân” – Ths.BS Nguyễn Đăng Bằng cho biết.
Nếu như với phương pháp nẹp vít, bệnh nhân phải chờ đến 2 năm sau mới được tháo nẹp, dù tích cực tập phục hồi chức năng thì đều ảnh hưởng đến việc đi lại. Nhưng khi được phẫu thuật kết hợp xương bằng kỹ thuật đóng đinh nội tủy trên màn hình tăng sáng C-arm thì thời gian gây mê ngắn, thời gian phục hồi sau mổ của bệnh nhân ngắn, thời gian nằm viện cũng ngắn. Chỉ sau 2 tháng, bệnh nhân đã có thể bỏ nạng đi lại bình thường như trước đây.
“Mổ xong, bệnh nhân nằm viện 2 ngày, sau đó phải khám các mốc 2 tuần, 1 tháng, 2 tháng để chúng tôi đánh giá về phục hồi chức năng khớp háng, khớp gối và hướng dẫn tập phục hồi chức năng theo từng mốc. Sau 2 tuần, bệnh nhân có thể đi lại chống nạng nhẹ nhàng, đến lớp được, sau 2 tháng có thể bỏ nạng đi lại bình thường, sau 6 tháng tập nhẹ nhàng, chạy nhẹ được và sau 1 năm đi lại hoàn toàn bình thường” - Ths.BS Nguyễn Đăng Bằng nhận định.
Sau khi nghe thông báo của bác sĩ, chị Nguyễn Thị Huế - mẹ của bé Đinh Hà Phương vui mừng khôn xiết, khác hẳn tâm trạng hoảng hốt, lo lắng khi hay tin con bị gãy xương đùi.
“Lúc nghe bác sĩ thông báo bảo cháu gãy xương đùi phải phẫu thuật mà bủn rủn, thương con lắm. May mà gặp bác sĩ tốt, kỹ thuật tốt, giờ trộm vía cháu ăn được ngủ được, không còn kêu đau, cử động được chân bị thương rồi. Trộm vía, cảm ơn các bác sĩ BV Nhi Hà Nội nhiều” - chị Nguyễn Thị Huế chia sẻ.
Ca phẫu thuật thành công, bé Phương nằm viện 2 ngày được về nhà trong niềm vui của bố mẹ rằng, con đã bình an, ăn được ngủ được và sức khỏe phục hồi nhanh, hơn nữa là tai nạn đã không ảnh hưởng đến vận động của con sau này.
Gãy xương đùi là tai nạn thường gặp ở trẻ em do các bé hay hiếu động. Do vậy, để phòng bệnh, các cha mẹ nên thường xuyên giám sát các con chơi, không nên chơi ở những nơi gần ao, suối, sông, hồ và những nơi xây dựng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn sinh hoạt cũng như tai nạn lao động.
Mời nghe tại đây: