Bệnh nhân M.V.C (56 tuổi ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) bị sốt cao kéo dài, sưng đau ở vùng khớp gối, bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh chẩn đoán ông bị bệnh viêm khớp, điều trị 2 tuần nhưng không khỏi. Ông C. được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi được làm xét nghiệm và nuôi cấy vi sinh thì phát hiện bị nhiễm vi khuẩn Whitmore (một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm). Xác định bệnh nhân bị tổn thương khớp nặng, các bác sĩ đã chọc hút ổ dịch khớp, dự định sẽ tiến hành phẫu thuật trong vài ngày tới.

Vì bệnh nhân đã nhiều tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm nên việc điều trị sẽ kéo dài, dự định thời gian khoảng nửa năm. Tuy nhiên, khả năng phục hồi khớp gối sẽ không được như trước” – BS Lê Thị Họa trực tiếp điều trị cho bệnh nhân M.V.C nhận định.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận vài bệnh nhân Whitmore. Nhưng năm nay có sự gia tăng đột biến. Từ khi bắt đầu vào mùa mưa bão đến nay, Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân, riêng tháng 11 có 7 trường hợp, phần lớn là ở các tỉnh miền Trung vừa xảy ra lũ lụt như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... “Khi mưa bão, đặc biệt là ở những vùng lũ lụt, nước dâng lên, vi khuẩn ở dưới đất như ruộng, ao hồ có điều kiện thuận lợi phát triển, di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Những người nông dân, có sức đề kháng kém, bị bệnh mãn tính như đái tháo đường, huyết áp cao… là đối tượng dễ bị vi khuẩn xâm nhập qua da, vào trong cơ thể và gây bệnh” – PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết.

Bệnh này không lây truyền từ người sang người nhưng nguy cơ tử vong cao nếu người bệnh không điều trị kịp thời. PGS.TS Đỗ Duy Cường cho rằng: “Có khoảng 70% bệnh nhân Whitmore bị tổn thương phổi nặng. Cứ 100 bệnh nhân thì chỉ có 10 bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh ngay từ lần đầu đến khám bởi vì biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng, các bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác như viêm khớp, viêm phổi, lao, ung thư…”.

Hiện nay, chỉ có nuôi cấy vi sinh lấy từ ổ dịch áp xe của bệnh nhân là phương pháp duy nhất để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh Whitmore. Do đó nếu có biểu hiện như sốt cao kéo dài, có ổ áp se nhiều nơi, sưng đau các khớp các cơ, tổn thương phổi, gan, thận, ở trẻ em có thể bị sưng tuyến mang tai… thì nên đến BV tuyến tỉnh hoặc TW để khám.

Để phòng bệnh, người làm nông nghiệp nên đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ kín khi lao động, tránh để những vết xước trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập – PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.