Trong can thiệp tim mạch, việc đánh giá tổn thương hẹp động mạch vành có chỉ định phải can thiệp hay không bằng cách đo phân suất dự trữ lưu lượng động mạch vành là rất quan trọng. Tuy nhiên, các kỹ thuật đánh giá dự trữ lượng vành trước can thiệp hiện tồn tại nhiều rủi ro như: xâm lấn, chảy máu, thậm chí thủng mạch vành… Phần mềm VFFR là một bước tiến lớn trong lĩnh vực này.

Phần mềm VFFR sử dụng các hình ảnh chụp động mạch vành cùng huyết áp động mạch và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tiến hành mô phỏng dòng chảy máu qua các động mạch, đặc biệt là các vị trí bị hẹp. Thông qua việc mô phỏng này, phần mềm có thể tính toán chỉ số FFR - chỉ số đánh giá liệu sự hẹp động mạch có ảnh hưởng lưu lượng máu đến tim hay không.

Kết quả từ VFFR cung cấp thông tin quan trọng để bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị. Nếu chỉ số FFR cho thấy sự hẹp không ảnh hưởng lớn đến dòng chảy máu, bệnh nhân có thể không cần đặt stent hoặc can thiệp khác. Ngược lại, nếu FFR thấp, bác sĩ có thể quyết định can thiệp để cải thiện lưu lượng máu.

“Với một chỗ hẹp trên lòng mạch vành ở mức độ vừa đến nhiều, việc can thiệp hay điều trị bảo tồn sẽ dựa vào chỉ số lưu lượng dữ trữ. Nếu chỉ số VFFR đo được nhỏ hơn 0.8 thì tổn thương động mạch vành được xem là tổn thương hẹp có gây thiếu máu cục bộ cơ tim và cần được tái tưới máu”- Ths.Bs Nguyễn Văn Hải – Trưởng khoa Tim mạch – Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh cho biết.

Trước đây, để xác định chỉ số FFR, bác sĩ phải đưa một dây dẫn có gắn cảm biến vào trong động mạch để đo áp suất máu trực tiếp tại vị trí hẹp. Nhưng với VFFR, quá trình đo chỉ mất vài phút, rút ngắn 2/3 thời gian thực hiện so với kỹ thuật truyền thống giúp giảm thiểu rủi ro trong thủ thuật và hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp tim do dùng thuốc giãn mạch.

“Khi thực hiện đánh giá FFR động mạch vành thì phải đưa một dây dẫn sâu vào trong mạch vành, đầu dây dẫn có cảm biến áp lực sẽ khó đưa vào hơn dây dẫn thông thường, đặc biệt qua mạch vành hẹp nặng xoắn vặn hay vôi hoá…bên cạnh đó bác sĩ sẽ phải bơm thuốc giãn vi mạch để có kết quả cuối cùng, biến chứng nặng nhất của thủ thuật có thể làm thủng mạch vành, ngoài ra thuốc giãn mạch này có thể gây rối loạn nhịp chậm và tụt huyết áp” – BS Nguyễn Văn Hải thông tin.

Ngoài việc giảm biến chứng liên quan, VFFR còn giúp giảm chi phí điều trị vì không cần sử dụng các thiết bị xâm lấn, thuốc giãn mạch hoặc đặt catheter.

Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước triển khai phần mềm VFFR. Hiện VFFR được thực hiện thường quy cùng các kỹ thuật can thiệp mạch vành như: đặt stent, nong bóng phủ thuốc…