Vitamin A có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển, tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển bình thường. Nếu thiếu vitamin A, trẻ dễ bị khô mắt, sẹo giác mạc, biến chứng mù lòa; dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu chảy. “Vitamin A có nhiều trong sữa mẹ, vì vậy, nếu trong 6 tháng đầu, trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ thì có nguy cơ thiếu vitamin A” - TS.BS Cao Thị Thu Hương – Trưởng khoa dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm, Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo.

Nhằm phòng chống tình trạng thiếu vitamin A, mỗi năm Bộ Y tế đều tổ chức 2 đợt uống vitamin A là ngày 1 & 2 tháng 6 và ngày 1 & 2 tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A. Nhờ đó tỷ lệ trẻ bị khô mắt đã giảm nhiều so với trước kia. Nhưng vì những lý do khác nhau, có nhiều trẻ đã không được uống đủ liều. Cha mẹ có thể bổ sung cho trẻ bằng cách ăn những thực phẩm chứa vitamin A như thịt, cá, trứng; các loại rau có màu sắc đỏ, vàng, xanh thẫm. “Vì vitamin A hòa tan trong dầu, mỡ, vì vậy nên ăn kèm những thực phẩm đó cùng với dầu mỡ, sẽ tăng yếu tố sinh học của vitamin A, giúp cho quá trình hấp thu vitamin A tốt hơn” - TS.BS Cao Thị Thu Hương khuyên các cha mẹ.

Những trẻ suy dinh dưỡng, bị viêm phổi nên uống bổ sung vitamin A liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày 1 viên vừa có tác dụng dự phòng vừa giúp điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ không nên tự ý bổ sung cho trẻ mà nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.

Nhiều cha mẹ lo lắng, nếu cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chứa vitamin A thì trẻ sẽ bị vàng da. Tuy nhiên, theo TS.BS Cao Thị Thu Hương, vàng da do uống nhiều vitamin A không phải là bệnh lý mà chỉ là hiện tượng thừa caroten, chỉ sau vài ngày sẽ tự hết.