Sáng nay (5/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế còn hạn chế
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định việc đầu tư công đã tạo ra sự đột phá cho sự phát triển. Tuy nhiên, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế...
Cụ thể, báo cáo về vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương cho các Bộ, cơ quan Trung ương theo từng lĩnh vực cho thấy năm 2024, trong tổng số khoảng 120 ngàn tỷ đồng, Bộ Y tế được phân bổ khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân bổ 1,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 1,2%.
Dự kiến năm 2025, tổng số khoảng 148 ngàn tỷ đồng, thì Bộ Y tế được phân bổ 5,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 3,7%; Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân bổ 2,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 1,9%.
Còn trong phương án phân bổ vốn dự phòng giai đoạn 2021-2025 và vốn tăng thu ngân sách năm 2022, tổng cộng khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng, thì cả 2 lĩnh vực giáo dục và y tế không đều không có tên.
“Với mức phân bổ vốn thấp như vậy thì đương nhiên các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT làm sao có vốn đầu tư cho phát triển. Chúng ta đang nói rất nhiều đến việc thúc đẩy các trường đại học và các bệnh viện phải thực hiện cơ chế tự chủ. Nhưng nếu chỉ thúc ép thực hiện tự chủ mà không có đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu thì hậu quá sẽ thế nào?”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, ông vừa có chuyến thăm Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Đây là 2 bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn và có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp như bệnh viên quốc tế.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện đang trăn trở làm thế nào để trả lãi 11% vốn vay xây dựng cơ sở vật chất hiện đại đó? Nếu chỉ tính khấu hao để tái đầu tư và bù đắp chi thường xuyên theo đúng tinh thần tự chủ thì bệnh viện rất yên tâm thực hiện tự chủ, giá dịch vụ y tế sẽ ở mức vừa phải người bệnh có thể chi trả được.
Từ thực tế này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu thực hiện tự chủ, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện cũng như các trường đại học công lập là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao.
"Nếu một trường đại học phải đi vay để đầu tư xây dựng, trả lãi suất hàng tháng thì trong chi phí đào tạo cũng sẽ rất cao. Đây cũng là lý do mà nhiều đại biểu băn khoăn về việc trường đại học đẩy mạnh tự chủ thì học phí tăng rất cao. Bởi trong khoản học phí đó phải gánh cả chi phí đầu tư cơ bản ban đầu, trả lãi suất ngân hàng", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Với thực trạng nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao...
Đầu tư cho khoa học công nghệ còn manh mún, dàn trải
Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Quân, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội băn khoăn về kinh phí dành cho khoa học công nghệ. Ông cho biết, ngân sách Nhà nước năm 2021 dành cho khoa học công nghệ khoảng 7.700 tỷ, năm 2022 tăng lên khoảng 9.100 tỷ; Năm 2023 và 2024 kinh phí dành cho khoa học công nghệ cho toàn quốc khoảng 10 nghìn tỷ mỗi năm.
Mặc dù đại biểu Lê Quân cho rằng kinh phí dành cho khoa học công nghệ dần được cải thiện nhưng khi xác định giai đoạn sắp tới cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hướng đến kỷ nguyên vươn mình, cần chú trọng tới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và khoa học công nghệ. Nếu đầu tư tốt cho 3 lĩnh vực này trong thời gian tới thì sẽ tạo ra bứt phá, đem đến kết quả lâu dài cho các giai đoạn sau.
"Chúng ta mới chỉ chi cho khoa học công nghệ nhỉnh hơn 1% so với tổng chi ngân sách. Trong khi đó, Nghị quyết cho chúng là 2%. Vậy thì vướng mắc ở đâu?", đại biểu Lê Quân đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Lê Quân, năm 2024 ngân sách Trung ương phân bổ cho ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh phục vụ nghiên cứu khoa học khoảng 70 tỷ. Năm nay, xây dựng dự toán có tăng lên, tổng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của cả 2 Đại học này dự kiến khoảng 250 tỷ.
"Tuy nhiên như ĐHQG Hà Nội có 72 Giáo sư, 482 Phó Giáo sư, 1500 tiến sĩ và tổng số nhà khoa học của cả Đại học khoảng 2.500. Như vậy, tổng kinh phí chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học từ nguồn này chỉ được 2000USD/nhà khoa học/năm. Chúng ta thấy kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn dàn trải, manh mún", Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói.
Từ thực tế này, Đại biểu Lê Quân kiến nghị, để quốc gia có bước đột phá về đổi mới sáng tạo, thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Đối với hiệu quả của nghiên cứu khoa học, chúng ta cần đặt niềm tin trước, các nhà khoa học cần được chọn lọc, đánh giá kỹ, có cam kết về sản phẩm đầu ra, đầu tư theo các hướng nghiên cứu mang tính chất dài hạn và bài bản thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn rất hạn chế, các doanh nghiệp công nghệ còn yếu, nên vấn đề phát triển, đổi mới sáng tạo sẽ cần được chú trọng trong thời gian tới.
Ngoài ra, đại biểu Lê Quân cho rằng cần có đổi mới về cơ chế phân bổ kinh phí khoa học công nghệ. Hiện nay thủ tục thanh quyết toán rất chậm, nhiều rào cản, các định mức còn lạc hậu. Kinh phí cần đầu tư cho các nhóm nghiên cứu theo các đơn vị khoa học công nghệ, phải đầu tư trọn gói, định mức dài hạn để nâng cao hiệu quả và tạo hiệu quả khi triển khai trong thực tế.
Liên quan đến khu đô thị ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc, đại biểu Lê Quân cho biết trong thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành đã tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến ODA và các ưu tiên đầu tư lên Đại học Quốc gia Hà Nội, giúp Đại học bước đầu khai thác hiệu quả. Hiện tại đã đưa gần 10.000 sinh viên lên Hòa Lạc.
Đại biểu cho biết, qua kinh nghiệm từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, các Đại học hàng đầu Trung Quốc, có thể thấy, đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ thầy cô, nhà khoa học đông đảo, có khối tài sản công rất lớn, chỉ còn thiếu cơ chế để có thể vận hành tự chủ và tạo nguồn thu lớn. Đại biểu kiến nghị pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục.
"Cần sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng giúp Đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học. Bởi các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách sẽ phải chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của Đại học. Vì vậy, nếu phát triển được nguồn lực thì sẽ giảm được gánh nặng học phí và chi ngân sách", đại biểu Lê Quân kiến nghị.
Tranh luận với vấn đề đại biểu Lê Quân đặt ra về kinh phí dành cho khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đồng tình việc tăng chi cho giáo dục đào tạo và quan tâm hơn nữa cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết ngoài phần chi từ ngân sách còn có hai quỹ khác dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai quỹ này do nhà nước quản lý nhưng không phải từ nguồn ngân sách. Ví dụ quỹ khoa học công nghệ Nhà nước đang chi khoảng 300 tỷ nhưng còn các nguồn thu khác lên tới hàng nghìn tỷ từ doanh nghiệp mà chưa thu được.
"Nếu chúng ta làm tốt việc này, các ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo phối hợp khai thác tốt các quỹ khoa học công nghệ, thu đúng, thu đủ sẽ có nguồn lực lớn để giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển", đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu.