Những năm qua, dịch tay chân miệng có diễn biến phức tạp với số lượng trẻ mắc tăng cao, thậm chí có mức tăng đột biến như thời gian gần đây. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn, Bộ Y tế đã tìm nguồn nghiên cứu, phát triển các vaccine phòng bệnh tay chân miệng.

Cuối tháng 5 vừa qua, có doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép giấy đăng ký lưu hành vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Bộ Y tế đã đưa hồ sơ này vào ưu tiên để thẩm định xét duyệt, đồng thời làm việc với các đơn vị sớm đánh giá chất lượng an toàn, hiệu quả của vaccine, đảm bảo vaccine đến tay người dùng một cách an toàn nhất. Các cơ quan chức năng đang cố gắng đến năm 2024 sẽ đưa vaccine vào tiêm chủng với hình thức dịch vụ.

Vaccine tay chân miệng đăng ký tại Bộ Y tế từng được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam, đơn vị phối hợp nghiên cứu là Viện Pasteur TP.HCM. Đây là loại vaccine bất hoạt, được chỉ định tạo miễn dịch chủ động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 tháng đến 6 tuổi để phòng bệnh do nhiễm EV71, chủng virus có thể gây những biến chứng nặng nề. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine đã giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh TCM do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào, với mức bảo vệ 96,8%.

Trong khi đợi vaccine được cấp phép, Bộ Y tế nhắc nhở các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị bệnh tay chân miệng. Hiện nay tất cả chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên. Các địa phương phải chủ động trong dự trù số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất; đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch.