Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu. Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi là cấp thiết để gỡ khó cho các nhà thuốc bệnh viện công lập trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, góp phần giải quyết vấn đề thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương tỉnh Thái Nguyên, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, quy định như trong dự thảo sẽ không những không gỡ khó cho việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề. “Dự thảo Luật đã cởi trói, cho phép mua sắm trực tiếp nhưng lại quy định là mỗi năm được mua sắm trực tiếp một lần. Nhà thuốc có biết bao bệnh nhân đến mua thuốc mà cho mua sắm một lần. Quả là sửa đổi nhưng lại càng không làm được, rất bất cập”, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng bày tỏ.
Cho phép nhà thuốc tại bệnh viện công lập chỉ định thầu như quy định trong dự thảo Luật đấu thầu sửa đổi, theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, cũng chưa phù hợp. “Dự thảo Luật chỉ cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách. Bệnh nhân đến nhà thuốc mua thuốc thì không thể là cấp bách”, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng nêu thực tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, để tạo thuận lợi cho nhà thuốc tại bệnh viện công lập thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh, Dự thảo Luật Đấu thầu cần quy định theo hướng cho phép Nhà thuốc được tự quyết trong việc mua sắm thuốc, không cần qua đấu thầu. “Chúng ta nên cho nhà thuốc cơ chế được mua sắm trực tiếp. Ví dụ, cho nhà thuốc được gọi hàng với điều kiện là giá mua bằng với giá đã trúng thầu, được công khai rộng rãi hoặc giá ở các đơn vị công lập khác. Quy định như vậy sẽ đảm bảo thuốc được cung cấp kịp thời và phòng chống được tiêu cực”, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng kiến nghị.
Cùng chung quan điểm, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, không nên bắt các nhà thuốc tại các bệnh viện công lập tổ chức đấu thầu riêng. Theo ông, nên cho phép các nhà thuốc được phép tự mua sắm theo mức giá từ kết quả của một số kết quả đấu thầu hoặc giá đã được kê khai tại Cục Dược của Bộ Y tế. “Có nhiều loại thuốc trong quầy thuốc không có trong hệ thống đấu thầu của bệnh viện và khi tổ chức đấu thầu thì không có đơn vị nào tham gia. Nên chăng chúng ta cho các nhà thuốc mua sắm, giá mua áp theo các kết quả đấu thầu của các bệnh viện và các kết quả đấu thầu khách quan khác đã có”, GS.TS Phạm Như Hiệp nêu giải pháp tháo gỡ.
GS.TS Phạm Như Hiệp nêu thực tế, thời gian qua xảy ra tình trạng một số bệnh viện thiếu thuốc, trang thiết bị y tế do khi tổ chức đấu thầu thì các hãng thuốc không tham gia. Việc cho phép nhà thuốc mua sắm theo đơn giá của Cục Dược (Bộ Y tế) cũng đảm bảo yếu tố khách quan, hợp lý, vì khi thuốc nhập khẩu thuốc vào Việt Nam, các hãng thuốc đều phải kê khai giá.
Cho rằng Luật đấu thầu nếu sửa đổi như trong dự sẽ chưa thể tháo gỡ được khó khăn trong việc mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua sắm thuốc không thuộc đối tượng BHYT chi trả, mua vaccine tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, hàng hóa bán lẻ (bao gồm mua thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở KCB công lập) thì cơ sở KCB, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, kinh tế và trách nhiệm giải trình".