Lối sống thay đổi, áp lực công việc ngày càng cao, sử dụng máy tính, điện thoại ngày càng nhiều dẫn tới ngày càng nhiều người gặp triệu chứng đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp.
Là nhân viên văn phòng, mỗi ngày chị Thúy Vân thường phải ngồi làm việc cả ngày bên máy tính. Đôi khi, mải mê công việc mà mấy tiếng liền chị không đứng lên thay đổi tư thế. Đến cuối ngày, cơn đau mỏi cột sống bắt đầu kéo đến. Lướt mạng xã hội, thấy xuất hiện nhiều video clip giới thiệu phương pháp bẻ khớp giúp giảm những cơn đau mỏi tức thì, chị Thúy Vân cũng có ý định tìm đến các cơ sở thực hiện dịch vụ này để trải nghiệm.
Không chỉ chữa trị đau mỏi cột sống, nhiều tài khoản mạng xã hội còn đăng những video quảng cáo phương pháp nắn xương, bẻ khớp có thể giúp chỉnh gù vẹo cột sống, điều chỉnh cấu trúc xương di lệnh về đúng vị trí…Tin theo quảng cáo này, chị Nguyễn Thị Tươi ở Thái Nguyên đã đưa con đến một ông lang để hi vọng chữa khỏi bệnh gù vẹo cột sống cho con. Tuy nhiên, sau mấy lần nắn xương, tình trạng vẹo cột sống của con trai chị Tươi không được cải thiện, trái lại càng nặng thêm. Mới đầu chỉ là hơi lệch một bên vai nhưng dần dần biểu hiện lệch vẹo càng rõ hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thời gian qua, mặc dù, các bệnh viện đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tiếp nhận nhiều trường hợp là nạn nhân của nắn xương bẻ khớp, thậm chí có ca bị chấn thương không hồi phục, phải mang tật suốt đời, thế nhưng, hiện các video quảng cáo về kỹ thuật nắn xương, bẻ khớp do các “bác sĩ online” thực hiện vẫn được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo bác sĩ Trần Nam Chung, Khoa Xương khớp, Bệnh viện E, việc mọi người quan tâm đến sức khỏe cơ xương khớp là điều đáng mừng. Tuy nhiên, trong việc chăm sóc sức khỏe nói chung và điều trị bệnh tật nói riêng, không nên chỉ dựa vào thói quen và kinh nghiệm cá nhân. Do đó, nên hết sức thận trọng trước những video clip hướng dẫn và quảng cáo về phương pháp nắn xương, bẻ khớp trên mạng xã hội.
“Làm thế nào để chúng ta biết rằng đây là chuyên gia y tế thực sự, có chứng chỉ hành nghề, đang công tác ở các bệnh viện hoặc các cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế cấp phép hay chỉ là một chuyên gia tự xưng? Do đó, chúng ta không thể đặt niềm tin và sức khỏe vào những người không rõ về trình độ chuyên môn. Chẳng hạn, có rất nhiều người tin rằng khi bị thoát vị đĩa đệm hoặc đau thắt lưng thì việc tác động cột sống, nắn xương có thể giúp đốt sống vào đúng vị trí. Thế nhưng, chúng ta cần phải hiểu rằng, các thân đốt sống cũng như các đĩa đệm cột sống của chúng ta có liên quan đến mạch máu, dây thần kinh, dây chằng… Nếu tác động với một lực mạnh vào cột sống hay là các khớp xương, không cẩn thận, nhẹ thì làm cho tình trạng đau tăng lên, nặng thì khiến cho dây chằng bị bong hoặc bị đứt, nặng hơn nữa thì có thể gây chèn ép về thần kinh hoặc mạch máu và có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại, thậm chí có thể liệt.” – BS Trần Nam Chung khuyến cáo.
Để hạn chế tình trạng đau mỏi cơ và thoái hóa xương khớp, BS Trần Nam Chung khuyên mọi người nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để duy trì sức bền của hệ cơ xương khớp. Khi gặp các vấn đề như đau nhức hoặc chấn thương cột sống và các khớp, trước hết, người bệnh nên tự xem xét mức độ đau như thế nào và thay đổi các thói quen, tư thế làm việc có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau.
"Người bệnh nên hạn chế các động tác bê vác vật nặng, tránh làm việc trong tư thế cúi lưng, hạn chế ngồi lâu một chỗ, không nên thay đổi tư thế đột ngột, tránh đi bộ hay chạy nhảy quá nhiều. Nếu sau khi điều chỉnh thói quen, lối sống mà các cơn đau không giảm, người bệnh nên đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa về cơ xương khớp để được bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị cũng như vận động một cách phù hợp để giúp giảm triệu chứng và phục hồi sức khỏe. Người bệnh tuyệt đối không nên tự tìm thông tin trên mạng rồi nghe và làm theo những hướng dẫn, những phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học để rồi “tiền mất, tật mang”- BS Chung nói.