Thời gian qua, giá rau xanh trên thị trường tăng cao do khan hiếm nguồn cung, nhiều vùng trồng hoa màu bị tàn phá, ngập lụt sau cơn bão số 3. Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất rau tập trung lớn của Thành phố Hà Nội, cung cấp hơn 20% sản lượng rau an toàn cho Thủ đô, toàn bộ 300ha trồng rau ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cũng mất trắng sau lũ. Ngay khi nước rút, bà con nông dân đã gấp rút gieo trồng vụ mới và đang tích cực chăm bón những ruộng rau... để kịp thu hoạch và cung ứng ra thị trường.
Tại thôn Đông Cao – thôn có diện tích trồng rau lớn nhất ở xã Tráng Việt, nhiều ruộng rau đang lên xanh mơn mởn. Anh Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp thôn Đông Cao cho biết, hiện gần 200ha trồng rau của thôn đã được khôi phục phần lớn. Trận lũ vừa qua đã khiến người trồng rau thiệt hại rất lớn. Nhưng trong cái rủi có cái may, bởi đây là cơ hội để các loại sâu bọ và hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư trong đất được rửa trôi, vụ rau mới sẽ an toàn hơn. Hơn nữa, thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho cây rau phát triển nên người trồng rau cũng ít phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc kích thích tăng trưởng.
Để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn rau xanh trên thị trường, bà con nông dân Tráng Việt đang cần cù chăm bón từng ruộng rau và chỉ khoảng mấy ngày nữa, những lứa rau đầu tiên gieo trồng sau lũ sẽ được xuất bán. Bà Nguyễn Thị Dũng – một người trồng rau ở thôn Đông Cao cho biết, bà đang trồng 3 sào rau cải ngọt. Để đảm bảo nguồn rau, củ, quả ngon và lành phục vụ người tiêu dùng, các khâu sản xuất an toàn, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu luôn được chú trọng và tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo đủ thời gian cách ly.
“Ví dụ rau ăn lá, chúng tôi đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trước khi thu hoạch 10 ngày là không phun thuốc nữa để đảm bảo an toàn. Những nhà có nhiều ruộng rau đều phải có sổ ghi chép để ghi nhớ ngày phun thuốc, ngày thu hoạch” – bà Dũng nói.
Vừa chỉ vào gói thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chị Vương Thị Hòa vừa kể, cách đây hơn chục năm, những người trồng rau như chị chưa có kiến thức về an toàn thực phẩm và sản xuất rau sạch nên cứ dùng hóa chất bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, từ năm 2012, khi thôn Đông Cao bắt đầu xây dựng vùng rau an toàn, được trải qua các lớp tập huấn thì kiến thức và của chị đã thay đổi và được nâng lên.
“Bây giờ mình phải dùng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thuốc sinh học, phân hữu cơ….tuy đắt hơn nhưng đảm bảo cho sức khỏe, trước hết cho mình, sau là cho người tiêu dùng. Một năm, chúng tôi được tập huấn từ 2-3 lần về quy trình sản xuất rau an toàn” – chị Hòa cho biết.
Theo anh Đàm Văn Đua, hiện thôn Đông Cao có khoảng 134 ha rau an toàn, 25 ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Hợp tác xã nông nghiệp thôn Đông Cao luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho các thành viên về quy trình sản xuất rau an toàn nhằm bảo vệ thương hiệu của vùng trồng rau. Tuy nhiên, trên hết vẫn là nhận thức và ý thức tự giác của bà con nông dân, đặt yếu tố an toàn là tiêu chuẩn hàng đầu để đảm bảo sự sống còn của làng rau.
“Chính người dân giám sát chéo lẫn nhau. Giả sử có hiện tượng “con sâu bỏ rầu vùng trồng rau” người dân sẽ cảnh báo trực tiếp cho chúng tôi và chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ đó không bán ra thị trường để tránh ảnh hưởng vùng sản xuất rau. Bởi nếu xảy ra sự cố mất an toàn trong quy trình trồng rau thì đương nhiên bà con nông dân sẽ không bán được rau. Chính vì vậy, mọi người dân đều phải có ý thức về điều này” – anh Đàm Văn Đua nhấn mạnh.
Cùng với việc tuân thủ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng kỹ thuật, trên cánh đồng rau thôn Đông Cao, bà con nông dân còn ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động bằng điện, sử dụng nguồn nước ngầm, vừa giảm sức lao động, tiết kiệm kinh phí, vừa tránh cho đất và rau bị ô nhiễm nhiên liệu rò rỉ từ máy bơm chạy bằng dầu. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng đảm bảo, đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp thôn Đông Cao đã có 18 sản phẩm rau quả được công nhận OCOP 4 sao và 3 sao, góp phần tạo nên một thị trường thực phẩm an toàn cho Thủ đô Hà Nội và những vùng lân cận.