Cách đây 10 năm, ông Nghiêm Đình Thạch, 67 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh có biểu hiện sưng đỏ trong họng, thường xuyên bị ho khi thay đổi thời tiết. Nhưng nghĩ do hút thuốc lá mà ra nên ông Thạch cũng không mấy để ý. Đến năm 2020, vùng mang tai và hầu họng có biểu hiện sưng to, lệch một bên mặt, ông Thạch mới đi khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Qua thăm khám và đánh giá, bác sĩ phát hiện một khối u lớn vùng cổ kích thước khoảng 10 x 8 cm, thuộc khoảng bên họng, trải dài từ nền sọ xuống hạ họng, đẩy lệch thành bên họng vào trong. Chẩn đoán sơ bộ ban đầu khối u là lành tính, ranh giới không rõ ràng. Thông qua hội chẩn các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật sớm lấy bỏ khối u tránh biến chứng khi khối u chèn ép các cơ quan xung quanh.
“Khối u khi phát triển lớn hơn sẽ chèn ép vào đường thở, thực quản, dây thần kinh, mạch máu và các thành phần liên quan khác. Tiên lượng cuộc mổ là rất khó khăn, đường tiếp cận chính là qua mổ mở từ vùng cổ, phải thực hiện các thao tác phẫu thuật trong không gian hẹp, có thể kết hợp thêm hỗ trợ nội soi" - BS Trần Chí Dũng – Khoa Ngoại Đầu Cổ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết.
Theo bác sĩ Trần Chí Dũng, khoảng bên họng là khoang giải phẫu kéo dài từ nền sọ tới vùng họng miệng. U của khoảng bên họng là loại ít gặp trong vùng đầu cổ, chiếm khoảng 1%. Tỷ lệ u lành chiếm chủ yếu, chiếm khoảng 70 - 80%, còn lại 20 - 30% là u ác tính. Dù là u lành hay ác tính thì phương pháp điều trị chính đều là phẫu thuật.
Do đặc điểm giải phẫu phức tạp, nằm trong vùng cổ sâu, liên quan hầu hết thần kinh, mạch máu lớn và các thành phần quan trọng khác của đầu cổ, phẫu thuật u vùng khoảng bên họng luôn là loại khó khăn bậc nhất trong chuyên khoa phẫu thuật đầu cổ.
“Với khối u lớn, phát triển sâu ở bên trong chạy dài từ nền sọ xuống hầu họng, đây là cửa ngõ của rất nhiều cơ quan quan trọng như dây thần kinh, cuống họng, động mạch cảnh. Nếu không nắm rõ về giải phẫu của vùng đầu cổ sẽ không thể bóc tách an toàn cho người bệnh vì chỉ sơ sẩy một chút thôi là biến chứng có thể xảy ra ngay trong cuộc mổ” - BS Dũng cho biết.
Quá trình phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, với sự góp mặt của những bác sĩ giàu kinh nghiệm tại khoa Ngoại Đầu Cổ - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, khối u đã được lấy trọn. Bệnh nhân hồi phục sau mổ tốt, không gặp biến chứng và xuất viện sau 5 ngày. Đến nay sức khỏe của bệnh nhân Thạch hoàn toàn bình thường, tinh thần ông thoải mái vì đã loại bỏ được khối u lớn trong người.
Qua ca bệnh bác sĩ cũng cho biết thêm, với những khối u nằm bên ngoài thì việc phát hiện là không quá khó khăn, nhưng với những khối u nằm sâu trong cơ thể thì việc phát hiện sớm chỉ có thể thông qua khám định kỳ. Vì vậy, người dân cần khám bệnh định kỳ để có thể điều trị sớm nếu có bệnh, đây là khuyến cáo của các bác sĩ.