“Anh ấy là Quốc Khánh, 2/9 là sinh nhật mà!”

“Anh ấy tên Quốc Khánh! Hôm nay 2/9 sinh nhật mà!, Khánh ơi, chúc mừng sinh nhật nhé!”, các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện dã chiến số 16, quận 7 TP. HCM gửi lời chúc mừng sinh nhật điều dưỡng Quốc Khánh trong phút giải lao giữa ca trực.

Vốn thuộc quân số của Bệnh viện 71 Trung ương cơ sở Thanh Hóa, được lệnh điều động của Bộ y tế tăng cường hỗ trợ cho TPHCM, kết hợp cùng đoàn của BV Bạch Mai, điều dưỡng Quốc Khánh là một trong những người đầu tiên vào làm ở Trung tâm hồi sức này.

Ngày 2/9/2021 điều dưỡng Quốc Khánh tròn 36 tuổi. Sinh nhật năm nay với anh đặc biệt hơn nhiều khi lần đầu tiên xa gia đình, lần đầu tiên đón tuổi mới trong bệnh viện dã chiến.

Mọi năm cứ đến sinh nhật là cả nhà quây quần bên nhau, các cô dì chú bác, ông bà nội ngoại và cả cụ cố nữa sẽ làm bữa cơm, thổi bánh kem vừa chúc mừng sinh nhật vừa ăn mừng Quốc khánh".

Năm nay đi vào TP. HCM tăng cường chống dịch thì ở nhà cũng thực hiện Chỉ thị 16, không tổ chức, 2 mẹ con và ông bà nội đã làm bữa cơm nho nhỏ chụp ảnh gửi vào chúc mừng. Mọi người cũng gửi tin nhắn động viên nhưng đi làm gấp gáp quá nên mình chưa trả lời được, điều dưỡng Khánh chia sẻ.

Các đồng nghiệp ở Bệnh viện dã chiến số 16 đã kịp gửi tin nhắn chúc mừng anh trên Zalo. “Dù rất muốn mời các bạn mừng sinh nhật nhưng có lẽ phải chờ hết dịch”.

Làm việc tại Bệnh viện dã chiến, tiếp xúc với các F0 nặng, kể cả khi về nơi lưu trú các y bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên cũng tự cách ly mình với đồng nghiệp, bởi trong trường hợp xấu, bản thân hoặc đồng nghiệp không may mắc Covid sẽ tránh cho những người còn lại không bị lây nhiễm để có thể tiếp tục công việc.

Ngày sinh nhật buồn vui lẫn lộn

Vào TP. HCM từ ngày 6/8, anh Khánh và các đồng nghiệp thực hiện những nhiệm vụ đầu tiên để chuẩn bị khánh thành Trung tâm hồi sức từ việc chuyển vật tư, trang thiết bị đến lắp đặt các khu vực bệnh viện.

"Công việc hằng ngày của mình là chăm sóc người bệnh, vệ sinh cá nhân, thay chăn ga, tắm giặt, đánh răng, rửa mặt, hút đờm dãi, cho bệnh nhân ăn, thực hiện các y lệnh thuốc của bác sĩ, chăm sóc động viên người bệnh. Một ngày trong Bệnh viện dã chiến làm chia 3 ca, ca đêm dù thời gian dài hơn nhưng nhiệt độ giảm xuống, mặc đồ đỡ mệt hơn. Còn ca chiều, mặc đồ bảo hộ 2 tiếng sau đã rất mệt mỏi”, anh Khánh kể.

Ca trực của anh Khánh chiều 2/9, một bệnh nhân 38 tuổi vừa qua đời. Bệnh nhân chuyển vào Bệnh viện dã chiến số 16 diễn biến nặng được đặt nội khí quản, chuyển lên phòng bệnh để chăm sóc thở máy, các nhân viên y tế đã làm mọi cách nhưng không cứu được. Giọng anh Khánh nghẹn lại, run run “anh ấy là trụ cột của gia đình”.

Rồi anh Khánh kể tiếp, hôm đầu vào đây cũng có bệnh nhân trẻ tuổi qua đời. Mình thấy vợ anh ấy nhắn tin hỏi, “Anh khỏe không? Có ổn không? Ăn uống thế nào?, nhưng mình không dám nhắn tin lại.

Sau đó, một người bà con nữa lại nhắn tin hỏi. Mình nhắn tin trả lời rằng bệnh nhân đã mất rồi, mong người nhà bằng cách nào đó khéo léo nhắn lại với gia đình. Bệnh nhân vào đây diễn biến nhanh chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ đã tử vong.

Có những trường hợp diễn biến nhanh, có 2 hội chứng bão cytokine và hội chứng tắc mạch, nếu không may tắc mạch tim hoặc tắc mạch phổi thì diễn biến rất nhanh.

Trong bệnh viện dã chiến, nhiều F0 cùng là người thân trong một nhà. Những người tình trạng tốt chỉ cần thở oxy kính, thở khí trời thì có thể xếp cùng với nhau, nhưng có gia đình có tới 3-4 người cùng mắc, vào đây thở mask, thở HFNC, những trường hợp đặc biệt hơn phải thở máy, các bác sĩ sẽ tách ra các phòng riêng với nhau.

Có những người hỏi diễn biến tình hình người nhà bệnh nhân tôi như thế nào? Chúng tôi cũng không dám nói thật vì phải giữ niềm tin nào đó cho những người còn sống để họ cố gắng vượt lên bệnh tật. Những lúc như vậy mà bệnh nhân nhận được tin buồn, sốc sẽ không tránh khỏi suy sụp nên nhiều lúc đành phải nói dối".

Giây phút cuối cùng của những F0 không may mắn chỉ nhân viên y tế và tình nguyện viên bên cạnh. “Mình không có nhiều điều kiện như ở nhà, cũng lau rửa cho bệnh nhân sạch sẽ, làm những công việc như người mất ở nhà trước khi đưa bệnh nhân ra khu đại thể. Họ nhắm mắt mà không từ biệt được người nhà, không từ biệt được vợ con. Nhiều bệnh nhân ra đi khi còn quá trẻ, đang cống hiến được nhiều cho xã hội và là trụ cột cho gia đình. Thực sự rất đau lòng”, giọng run run, nước mắt anh Khánh chực trào ra, anh nghẹn lại không nói được nữa.

Buồn, hụt hẫng lắm khi lại thêm F0 tử vong. Bệnh nhân trong này chúng tôi coi như người thân, người nhà, có bệnh nhân tỉnh táo hẹn nhau sau này khỏi bệnh ra viện em mời anh đến nhà chơi!

Vào đây chỉ có nhân viên y tế và bệnh nhân, những ai tỉnh táo mình coi là người nhà, là anh em, động viên để bệnh nhân có tinh thần tốt hơn, tạo tâm lý thoải mái nhất cho người bệnh để họ vượt qua bệnh tật.

Một ngày ở Bệnh viện dã chiến với các nhân viên y tế buồn vui lẫn lộn. Trong ngày, có những bệnh nhân xuất viện mình vui lắm nhưng có thể ngay sau đó lại nhận tin bệnh nhân diễn biến xấu, không qua khỏi thì hụt hẫng. “Không biết sau này về già có mắc bệnh nghề nghiệp buồn vui lẫn lộn không nữa”.

Thế nhưng khi được hỏi có bao giờ cảm thấy bế tắc không thì anh Khánh lắc đầu “Không”. Lúc nào mình cũng nghĩ về điều tươi sáng, tốt đẹp bởi khi mình có tinh thần thoải mái mới tạo được tinh thần thoải mái cho người bệnh, dù mới đó thôi có bệnh nhân mới qua đời.

Điều ước ngày sinh nhật

21h tan ca, 22h mới về khách sạn lưu trú tắm rửa ăn uống, 23h nếu thấy vợ còn Zalo sáng đèn thì gọi đón sinh nhật muộn, không thì thôi vì vợ cũng hiểu mình đi làm về cũng vất vả, cũng mệt, sáng mai rảnh rỗi thì gọi sau”, anh Khánh kể bà xã mình cũng là đồng nghiệp làm việc tại Bệnh viện.

Khi bệnh viện ở nhà cử cơ số nhân viên vào trong này hỗ trợ thì những người ở nhà thực sự vất vả, công việc mỗi người nặng nề hơn. May mắn có ông bà giúp đỡ chăm sóc 2 cháu.

Anh Khánh có bé trai 8 tuổi và một bé gái 4 tuổi. Đặc biệt, bé gái quấn bố như cái đuôi, đi đâu cũng đòi theo. Anh kể, “lúc ở nhà thường ăn tối xong mình hay cho bé gái đi dạo một lúc rồi cho về học bài”.

Hằng ngày, sau buổi đi làm về mình gọi cho vợ con, các con hỏi “Sao ba Khánh đi lâu thế? Để các cháu khỏi theo, vợ anh đã nói dối các con “Ba Khánh đi 2 tuần rồi về!”

Khi được hỏi, nếu có 1 điều ước trong ngày sinh nhật đặc biệt, anh sẽ ước điều gì, anh Khánh trả lời “Mình chỉ mong đại dịch nhanh chấm dứt để cuộc sống trở lại bình thường”.

Cường độ làm việc căng thẳng, luôn đối mặt với những ca bệnh tiến triển nặng, điều giữ cho anh và những nhân viên y tế luôn lạc quan chính là tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt. "Ngày xưa các cụ hy sinh xương máu, giờ chúng mình bằng tri thức, trách nhiệm, tình yêu của mình góp phần nhỏ bé đẩy lùi đại dịch, giúp đỡ nhân dân miền Nam - đó là động lực để bản thân mình vui tươi, phấn đấu mỗi ngày”.