Natri, Kali, Canxi, Magie, Clo, Phosphate, bicarbonate… là các chất điện giải cần được tăng cường bổ sung trong các bệnh lý như tiêu chảy cấp, nôn mửa, kiệt sức. Khi cơ thể rơi vào tình trạng mất nước và chất điện giải nghiêm trọng, bệnh nhân có thể nước dừa, nước cháo loãng hoặc các dung dịch pha chế như nước muối, đường, các chế phẩm bù nước và điện giải như oresol.

Ths.BS Phí Thị Quang- BV Đa khoa Medlatec chia sẻ: “Khi người bệnh bị tiêu chảy có nguy cơ bị mất nước và các chất điện giải do vậy, việc bổ sung oresol có tác dụng bù nước và điện giải. Tuy nhiên, oresol cũng là một dạng thuốc nên cần sử dụng đúng cách bởi nếu không sẽ gây hại cho sức khỏe”. Ngoài ra, theo BS Phí Thị Quang, pha oresol không đúng cách làm tình trạng rối loạn tiêu hóa trầm trọng hơn thậm chí gây biến chứng nguy hiểm cho hệ thần kinh, dẫn đến tử vong: “Nhiều gia đình có con nhỏ, sợ bé không uống được dung dịch oresol nên pha đặc hơn, ít nước hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, điều này rất nguy hiểm bởi pha ít nước dẫn đến hàm lượng muối trong dung dịch sẽ tăng lên, dẫn đến tình trạng lượng muối được hấp thu vào máu tăng, gây mất nước ở tế bào và xuất hiện tình trạng co giật, hôn mê hoặc tổn thương não không phục hồi. Còn nếu pha loãng hơn dẫn đến lượng nước được bù ít hơn so với mong đợi”.

Ngoài cách pha chế đúng liều lượng, người bệnh cần uống đủ và uống đúng chỉ dẫn, việc uống quá nhiều oresol hay bảo quản dung dịch sai cách sau khi pha cũng là những điều nên tránh: “Sau khi pha oresol, cần sử dụng dung dịch trong vòng 24 giờ, không nên chia nhỏ các gói dung dịch để pha vì định lượng không chính xác. Tuyệt đối không pha thêm đường hoặc sữa vào dung dịch oresol. Không nên sử dụng oresol pha sẵn hoặc thực phẩm chức năng vì không đảm bảo được lượng và hiệu quả bù nước và điện giải hay không”- BS Phí Thị Quang khuyến cáo.

Nếu trong nhà không sẵn oresol dạng gói, các bạn pha dung dịch điện giải bằng các nguyên liệu có sẵn trong gia đình: “Dùng 1000ml nước đun sôi để nguội cho vào bình, lấy thìa cà phê đong với tỷ lệ 8 thìa đường, 1 thìa muối, sau đó khuấy đều dung dịch và cho người bệnh uống một cách từ từ, nên sử dụng chế phẩm vừa pha trong vòng 24 giờ”.

Thông thường với những trường hợp tiêu chảy nhẹ, việc bổ sung chất điện giải và điều chỉnh lại chế độ ăn sẽ giúp cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, với những trường hợp tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn, các bạn nên đến gặp bác sĩ, tuyệt đối không nên uống thuốc cầm tiêu chảy.