Nhiệt độ giảm, thời tiết lạnh khiến các bé nhà chị Lê Vân Anh ở Thanh Trì Hà Nội gặp vấn đề về đường hô hấp. Cậu con trai út mới 10 tháng tuổi bị sốt, ho… Chị Vân Anh cho biết: "Trời lạnh là bé bị viêm đường hô hấp. bé bị sổ mũi, dẫn đến viêm họng, thậm chí đã có lần bị viêm phổi.

Tại khoa Nhi – BV Đa khoa Medlatec, các bố mẹ đưa các bé tới khám khá đông, ai cũng lo lắng khi thời tiết lạnh sâu trong mùa đông này. Các bố mẹ chia sẻ, việc giữ ấm cho trẻ nhỏ là điều cả gia đình quan tâm. Có gia đình coi trọng việc đảm bảo nhiệt độ phòng. Có gia đình lại quan tâm đến việc lựa chọn quần áo ấm, quần áo giữ nhiệt để giúp con được ấm. Phần lớn cha mẹ đều cho rằng, trời lạnh nên để các con trong nhà để tránh nguy cơ trẻ có thể bị ốm.

Có rất nhiều cách các mẹ tìm hiểu và áp dụng cho các bé nhà mình, chỉ mong các bé có thể khỏe mạnh vượt qua những đợt lạnh khắc nghiệt của mùa đông năm nay. Tuy nhiên, những cách này có đúng không và nên thực hiện thế nào để đảm bảo sức khỏe cho các bé? Ths.BS Trần Tuấn Anh- Trưởng khoa Nhi- BV Đa khoa Medlatec cho rằng: "Việc giữ ấm cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất trong mùa lạnh. Các mẹ thường chia sẻ quy tắc 4 ấm 1 lạnh, đó là ấm ngực, bụng, tay và chân, đầu thì không nên bịt kín quá. Đây cũng là cách có hiệu quả để giữ ấm cho trẻ. Tay các bé nên được giữ ấm tự nhiên, hạn chế dùng các thiết bị sưởi, thiết bị đốt nóng vì có thể làm da các bé khô, khi ra ngoài đeo găng tay và tránh ra mồ hôi tay. Giữ ấm lưng bằng cách mặc các lớp áo có tính chất giữ nhiệt, thấm mồ hôi, không nên mặc nhiều áo quá dễ khiến trẻ ra mồ hôi và nhiễm lạnh. Giữ ấm bụng cũng rất quan trọng vì bụng có các tạng lớn liên quan đến quá trình hấp thu thức ăn. Giữ ấm lòng bàn chân vì đây là vị trí có nhiều mạch máu, không giữ ấm dễ gây viêm đường hô hấp và nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Giữ thoáng vùng đầu khi ở trong phòng hoặc khi ngủ, trong trường hợp bị sốt nên lau khăn ấm ở trán để tránh tích tụ nhiệt, gây sốc nhiệt".

Theo BS Trần Tuấn Anh, cha mẹ cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm cho các bé để giúp cơ thể non nớt của trẻ nhỏ tránh được cái lạnh giá trong mùa đông. Điều đầu tiên là phải bổ sung đủ nước cho trẻ, đặc biệt là nước ấm, có thể chuẩn bị nước gừng, tuy nhiên, gừng có vị cay nên không sử dụng nước ép gừng để uống luôn mà nên bỏ vỏ, sau đó thái lát, đập dập, rồi ép nước để pha với nước ấm. Với trẻ lớn có thể pha thêm mật ong, còn trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thì không nên dùng mật ong vì trong mật ong có chứa một số loại bào tử vi khuẩn có thể gây rối loạn tiêu hóa. Bổ sung đẩy đủ các nhóm chất như chất bột, chất đạm, chất béo và chất xơ trong các bữa chính và bữa phụ, ưu tiên các loại hoa quả, vitamin, các thực phẩm giàu năng lượng.