Tỉnh Sơn La hiện có mức chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất cả nước với 118 bé trai/100 bé gái. Nguyên nhân chính vẫn là tư tưởng trọng nam khinh nữ, cần người nối dõi tông đường. Đơn cử như gia đình anh Giàng A Tánh ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, mặc dù đã có 3 con gái nhưng vợ chồng anh vẫn dự định sẽ sinh thêm. Anh Tánh tâm sự, hoàn cảnh còn khó khăn, biết là đông con sẽ vất vả, nhưng gia đình vẫn luôn mong có con trai để nối dõi.
"Chắc phải đẻ thêm một đứa con trai, để đứa này tầm khoảng 2-3 năm mới đẻ thêm. Người Mông mình thì không có con trai cũng vất vả, sinh toàn con gái cũng vất vả cho gia đình", anh Giàng A Tánh tâm sự.
Gánh nặng kinh tế, gánh nặng sức khỏe đè nặng lên những gia đình cố sinh cho được con trai. Những đứa trẻ sinh ra ở những gia đình này cũng không được chăm sóc, ăn học tử tế. Tất cả đều bởi tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường.
Đáng nói quan niệm này không chỉ tồn tại ở những vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại các thành phố lớn, dân trí cao cũng vẫn tồn tại và ăn sâu trong tiềm thức người dân. Thay vì sinh nhiều con cho đến khi có con trai mới thôi, nhiều người lựa chọn biện pháp nạo phá thai nếu siêu âm là con gái hoặc nhờ tới hỗ trợ sinh sản, chọn lọc phôi thai để sinh con trai. Tất cả những phương pháp này đều có nhưng ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe của người phụ nữ.
BS Lê Thị Kim Dung – chuyên gia sản, phụ khoa cho biết hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, nên nếu họ không sinh được con trai thì cảm thấy như mình có lỗi gì đó. "Ví dụ có một cô thai 12 tuần rồi đến xin phá, mà bản thân đã có 3 con gái rồi. 2 năm sau lại gặp cô ấy nữa bảo bác giúp cháu không thì chồng cháu đuổi ra khỏi nhà. Vì con gái nên cháu phải bỏ. Thì đấy đúng là một sự hi sinh khủng khiếp. Mình bực quá mới ra bảo anh muốn đánh đổi mạng sống của vợ anh để lấy đứa con trai à…”
Các chuyên gia nhận định, việc lựa chọn giới tính khi sinh làm mất cân bằng giữa nam và nữ chưa gây ra những hệ quả tức thì mà sẽ để lại hậu quả cho khoảng 30 năm sau. Ví dụ nếu việc lựa chọn sinh con trai vào năm 2024, thì đến năm 2054 hậu quả mới xuất hiện. Khi đó, nam giới sẽ khó lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.
Bên hành lang Quốc hội đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: “Trong giai đoạn trước đây của chúng ta rất nhiều phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc, Nhật Bản...điều này báo hiệu trước cho những vấn đề của VN trong thời gian sắp tới, khi mà số lượng nữ giới không bằng số lượng nam giới, thì sẽ tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội, kinh tế...đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn tổng quát ngay từ bây giờ để có những giải pháp phù hợp kịp thời.”
Việc bất bình đẳng giới gây ra hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh và ngược lại mất cân bằng giới tính khi sinh làm nặng nề hơn quan điểm “trọng nam khinh nữ”. Chính vì vậy, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái để hạn chế tình trạng này. Đại biểu Phạm Như Hiệp, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất: "Các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng cần phải ưu đãi về các chế độ nghỉ việc chế độ thai sản, cũng như tạo điều kiện cho chị em trong quá trình hoàn thiện kỹ năng nghề học tập để nâng cao trình độ cân bằng về mặt thu nhập. Như vậy sẽ làm tăng được tỷ lệ nữ trong phát triển dân số vàng."
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân "gốc rễ" của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn, không còn tình trạng "trọng nam khinh nữ".