Mới đây, Bệnh viện Da liễu TW tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ, 60 tuổi ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên trong tình trạng da bị tổn thương, nổi các bọng nước, chảy dịch có biểu hiện hoại tử toàn thân.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó 2 tuần, ở địa phương có phòng khám đông y tổ chức khám từ thiện, bà đến khám và được chẩn đoán bị sỏi thận. Sau đó bà đã mua 3 thang thuốc nam của cơ sở này về đun để uống. Uống thuốc được 3 ngày thì bắt đầu có biểu hiện ngứa, ban đầu là vùng mông sau đó lan ra tay chân. Mức độ ngứa ngày càng tăng dần, sau đó là rát, nổi các bọng nước gây khó chịu, mất ngủ.

Bà đã đến BV đa khoa huyện Phú Bình khám, truyền nước 5 ngày nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm và được chuyển lên BV Da liễu TW.

Sau khi khám, Ths.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi – Khoa Điều trị da nữ giới và trẻ em nhận định, bà bị hoại tử thượng bì nhiễm độc hay còn gọi tắt là TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.

Dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Hoại tử thượng bì nhiễm độc hay còn gọi tắt là TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tinh trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.

“Những bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hoại tử thượng bì, nhiễm độc thì thông thường tổn thương da bị hoại tử và lan tỏa nhiều ở vùng tay chân thân mình nên quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được chăm sóc đặc biệt, đặc biệt là phòng ngừa nhiễm khuẩn trên da, hạn chế mất nước mất dịch qua da, thông thường quá trình điều trị kéo dài khoảng 3-4 tuần. Nhưng nếu ở thể nặng, điều trị muộn, bệnh có thể gây suy gan, suy thận, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng” - Ths.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi cho biết.

May mắn cho bệnh nhân trên là nhập viện sớm, được chăm sóc da tốt nên hiện nay tình trạng bệnh đang có tiến triển tốt.

Ths.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi cho biết, mỗi tháng, Bệnh viện đều tiếp nhận bệnh nhân bị dị ứng thuốc phải nhập viện, trong đó có những bệnh nhân bị dị ứng thuốc nam. Những bệnh nhân này thời gian điều trị thường kéo dài hơn, ảnh hưởng đến kinh tế, người chăm sóc bệnh và chi phí điều trị cũng cao hơn so với mặt bệnh điều trị khác.

“Thông thường bn dị ứng thuốc nam thì biểu hiện sẽ kéo dài hơn bn dị ứng thuốc khác, có thể 2-3 tuần có thể bn vẫn tiếp tục tổn thương mới và thuốc đtrị bệnh hiện tại ko có thuốc nào đặc hiệu cho bệnh, đều là phương pháp làm giảm thiểu triệu chứng để bệnh nhân hồi phục sớm nên thời gian đtrị thường kéo dài. Bệnh nhân nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh kéo dài” – Ths.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi thông tin.

Ths.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi cho rằng: Người Việt Nam thường có thói quen tự mua thuốc uống khi điều trị bệnh. Đó là nguyên nhân làm tăng dị ứng thuốc do việc sử dụng thuốc bừa bãi không được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Dị ứng thuốc nam khác với các loại thuốc tây khác là trong thuốc nam, thuốc đông y có nhiều thành phần, có những cơ sở còn cho vào đó cả thuốc tây để tăng khả năng chữa bệnh, do đó các bác sĩ sẽ rất khó tìm tác nhân gây dị ứng.

Vì vậy, sau khi sử dụng thuốc mà có biểu hiện ban đỏ, sẩn phù, ngứa trên da, sưng mắt, sưng môi hoặc cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, hạ huyết áp, khó thở là những biểu hiện dị ứng thuốc nặng thì bệnh nhân nên đến khám ở cơ sở chuyên khoa gần nhất.

Để phòng bệnh, người dân nên đến khám ở các cơ sở y tế uy tín. Sau khi uống thuốc, nhớ lưu đơn thuốc và vỏ thuốc để dễ tìm nguyên nhân nếu bị dị ứng, phòng tránh không sử dụng loại thuốc đó nữa.