Thông tin được TS.BS Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc TTCĐ BV Bạch Mai cung cấp tại hội thảo về "tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này". Hội thảo do Vụ pháp chế Bộ Y tế tổ chức ngày 5/7.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, gần đây nhất Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội tiếp nhận 1 bệnh nhân nam 20 tuổi - lần thứ 2 bị ngộ độc thuốc lá điện tử. Bệnh nhân được đưa đến trong tình trạng co giật, bất tỉnh.

"Một ngày sau khi nam sinh vào viện, cán bộ Trung tâm Chống độc gửi mẫu thuốc lá bệnh nhân dùng đến khoa Độc chất, Viện Pháp y Quốc gia, để phân tích, cho kết quả phát hiện cần sa tổng hợp MDMB-Butinaca và MDMB-3en-Butinaca", - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Nếu như trong 2 năm (2022-2023) có 130 nạn nhân của TLĐT được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc BV Bạch Mai thì trong 6 tháng đầu năm nay, tại đây đã tiếp nhận khoảng 100 ca. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy.

Tham gia hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khoa Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế cho biết, qua số liệu báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN. Trong đó có 81 người bị ngộ độc ngay từ lần sử dụng đầu tiên. Ông Khoa cũng nhấn mạnh, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi…

“Không có một sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khoẻ”- ông Khoa khẳng định.

Tuy nhiên rất đáng lo ngại là tình hình sử dụng TLĐT trong học sinh từ 13-15 tuổi ở nước ta đang gia tăng nhanh, từ 3,5% năm 2022 lên 0,8% năm 2023. Xu hướng này cũng đang tăng nhanh ở người trưởng thành.

Đại diện tổ chức y tế thế giới tại VN, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cho biết thêm, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở nước ta. Tuy nhiên thuốc lá điện tử nhập lậu được bán khá tràn lan và rất khó kiểm soát, nhất là khi nó được pha trộn với các loại ma tuý mới.

Hiện có khoảng 700 hoá chất liên quan đến ma tuý, tuy nhiên chúng ta mới chỉ có chất thử cho 30 loại, còn lại chưa kiểm soát được”- Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm nói.

Bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cũng cho biết, các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện dễ dàng mua qua mạng xã hội facebook và sàn thương mại điện tử, tất nhiên được núp dưới bỏ bọc là sản phẩm mỹ, hoặc đồ chơi trẻ em.

“Khi trực tiếp đặt mua, qua trao đổi, phía người bán hàng cho biết ghi nhãn mác TLĐT là thuốc trị mụn hoặc mỹ phẩm. Việc này đã qua mắt được bố mẹ, thầy cô giáo”, bà An chia sẻ và lo ngại rằng nhiều phụ huynh cũng khó có thể biết được đây là thuốc lá điện tử khi sản phẩm này được bán với tên gọi khác, cộng với thiết kế rất bắt mắt dưới dạng hộp sữa, trên nhãn ghi sữa chua, kem, đồ chơi…

Với tình trạng như hiện nay, ông Nguyễn Trọng Khoa Phó Cục trưởng Phụ trách quản lý điều hành Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế lo ngại, nếu không sớm có biện pháp mạnh để quản lý sẽ rất nguy hiểm, “kết quả 30 năm phòng chống tác hại thuốc lá của nước ta sẽ bị thiêu rụi trong 3 năm nếu cho phép nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử”- ông Khoa nói.

Do đó các đại biểu tham dự hội thảo đều nhất quán quan điểm, trước mắt cần cấm nhập khẩu, buôn bán tất cả các loại thuốc lá thế hệ mới. Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.