Theo TS.BS Vũ Quốc Đạt – Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại – BV Đại Học Y Hà Nội, ưu điểm của khẩu trang nhựa trong suốt là tính thẩm mỹ và thời trang, đồng thời tái sử dụng được. Không giống như đeo khẩu trang vải hay khẩu trang y tế, loại khẩu trang này giúp chúng ta quan sát được khuôn mặt của nhau và thuận tiện khi giao tiếp.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của khẩu trang nhựa là không có khả năng áp sát khuôn mặt cũng như che kín mũi, miệng của chúng ta như khẩu trang y tế. “Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn, virus và khói bụi khi có khả năng điều chỉnh và vừa khít với khuôn mặt. Khẩu trang nhựa dù có nhiều ưu điểm nhưng nó chỉ phần nào giúp chúng ta tránh hít phải giọt bắn và khói bụi thôi chứ không an toàn bằng khẩu trang y tế. Mặt khác, những khẩu trang làm từ nhựa dẻo hay silicon là loại tái sử dụng, nếu chúng ta vệ sinh không tốt thì lại làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.” – BS Vũ Quốc Đạt phân tích.

Vị chuyên gia về truyền nhiễm cho rằng, hiện nay, dịch Covid-19 đã lắng xuống, nhiều người đã được tiêm vaccine nên nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng không còn cao như trước. Vì vậy, khẩu trang nhựa có thể sử dụng trong những trường hợp, hoàn cảnh nguy cơ nhiễm bệnh ở mức độ thấp, chẳng hạn bạn là người không mắc Covid-19 hay khi bạn đi đường, tham gia các hoạt động ở ngoài trời, các địa điểm có không gian rộng, thoáng khí…

Trong trường hợp bạn có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 hoặc có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi hay tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 thì tốt nhất nên đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh tối ưu cho bản thân cũng như những người xung quanh – TS.BS Vũ Quốc Đạt đưa ra lời khuyên.

Thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, hầu hết mọi người đều sử dụng khẩu trang y tế để phòng lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, loại khẩu trang này không tái sử dụng được và có thể gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người băn khoăn trong tình hình hiện nay, liệu có thể sử dụng khẩu trang vải để tiết kiệm và tránh lượng rác thải ra môi trường hàng ngày?

TS.BS Vũ Quốc Đạt cho rằng , tất cả các loại khẩu trang đều có thể ngăn ngừa giọt bắn ở các mức độ khác nhau. Khẩu trang làm bằng vải rất dễ bị thấm nước nên khả năng bảo vệ không cao bằng khẩu trang y tế. Nếu chúng ta tiếp xúc, trò chuyện với người nhiễm Covid-19 hoặc người mắc các loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác thì rất dễ hít phải virus, vi khuẩn do các giọt bắn từ người bệnh thấm vào khẩu trang vải. Đồng thời, khi khẩu trang đã bị nhiễm bẩn, tay chúng ta chạm vào cũng làm tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh. Tương tự như khẩu trang nhựa, chúng ta chỉ nên sử dụng khẩu trang vải trong trường hợp ít có nguy cơ nhiễm Covid-19 và các bệnh về đường hô hấp cũng như đảm bảo được việc thường xuyên thay, giặt khẩu trang vải và luôn luôn sát khuẩn tay.

TS.BS Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh, khẩu trang y tế có hiệu quả tốt nhất trong việc bảo vệ chúng ta khỏi các loại virus, vi khuẩn và khói bụi. Khẩu trang nhựa và khẩu trang vải không thể thay thế hoàn toàn khẩu trang y tế nhưng bạn vẫn có thể linh hoạt sử dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh.