Những rào cản pháp lý khi thực hiện hợp đồng xã hội

Để đáp ứng với diễn biến mới của dịch HIV/AIDS - nhất là khi các nguồn tài trợ quốc tế đang bị cắt giảm và tiến tới không còn hỗ trợ, hiện nay Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đang phối hợp với các tổ chức quốc tế như PEPFAR, UNAIDS... xây dựng và thực hiện thí điểm đề án mua sắm các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, gọi tắt là hợp đồng xã hội.

Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là một bản hợp đồng có tính ràng buộc về pháp lý giữa bên A (đại diện 1 đơn vị của nhà nước) và bên B (1 đơn vị ngoài nhà nước - ở đây là Tổ chức xã hội), qua đó bên A trả tiền để bên B cung cấp các dịch vụ được yêu cầu với chi phí theo thỏa thuận.

Mô hình hợp đồng xã hội hiện đang được triển khai thí điểm tại 9 tỉnh gồm: Điện Biên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà nẵng, Bình Dương, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ và Kiên Giang. Có thể nói, mô hình này bước đầu cho thấy tính khả quan, là một trong những lựa chọn phù hợp, củng cố sự hợp tác giữa hệ thống dịch vụ công của nhà nước và các tổ chức xã hội hướng tới mục tiêu huy động sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ chế tài chính từ nguồn tài trợ sang huy động nguồn lực trong nước hiện còn gặp không ít khó khăn. Theo Ths. Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện có 3 rào cản pháp lý để thực hiện việc ký hợp đồng với các tổ chức xã hội để họ cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ nhất, hiện nay các danh mục dịch vụ phòng chống HIV/AIDS chưa nằm trong danh mục các dịch vụ công được Thủ tướng phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1387/QĐ-TTg phê duyệt các danh mục dịch vụ y tế, dân số nhưng hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS không nằm trong danh mục này nên không sử dụng tiền ngân sách để ký hợp đồng được.

Thứ 2, Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn việc giao nhiệm vụ hay đặt hàng chỉ thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức xã hội không phải đơn vị sự nghiệp công lập nên không áp dụng được Nghị định 32 này.

Thứ 3, đến nay chưa có cơ quan nào ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cũng như khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Vì thế, chưa có cơ sở để thực hiện việc ký kết hợp đồng với các tổ chức xã hội để họ cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Khó khăn của các tổ chức xã hội khi tham gia hợp đồng xã hội

Về phía các doanh nghiệp xã hội, việc tham gia hợp đồng xã hội cũng gặp không ít khó khăn. Tiền thân là 1 tổ chức dựa vào cộng đồng, chuyên chăm sóc và tư vấn cho người nhiễm HIV, năm 2020 nhóm Xuân Hợp ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chính thức trở thành doanh nghiệp xã hội và phát triển cộng đồng. Từ ngày 1/4/2023 Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội và Phát triển cộng đồng Xuân Hợp bắt đầu tham gia thực hiện các dịch vụ thí điểm của hợp đồng xã hội như tìm ca nhiễm mới, chăm sóc, chuyển gửi khách hàng đến cơ sở điều trị ARV hoặc uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Anh Mai Như Sơn - Giám đốc công ty cho biết, kể từ khi tham gia vào hợp đồng xã hội, các thành viên của nhóm được cập nhật các kiến thức mới về HIV nhanh hơn. Trong thời gian ký hợp đồng với CDC Đồng Nai (từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2023), doanh nghiệp xã hội Xuân Hợp đã phát hiện và chuyển gửi 24 ca dương tính với HIV vào cơ sở điều trị ARV, 42 ca uống thuốc để dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nhìn chung, anh Mai Như Sơn cho rằng, tham gia HĐXH trong phòng chống HIV, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp xã hội hiện còn gặp không ít khó khăn. Một trong số đó là dù không có nguồn thu và không phải đóng thuế nhưng doanh nghiệp vẫn phải phải báo cáo tài chính và kê khai thuế.

Với các tổ chức dựa cộng đồng, việc muốn tham gia hợp đồng xã hội cần phải có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp xã hội chẳng hạn còn khó khăn hơn gấp bội. Nguyễn Văn Thanh trưởng nhóm CBO Hạt giống tại tỉnh Bình Dương cho biết, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội đang được cân nhắc bởi có nhiều khó khăn đặt ra đối với nhóm về các thủ tục hành chính và trình độ nhân lực.

Ở Việt Nam có rất nhiều các nhóm cộng đồng chưa thành lập doanh nghiệp và chưa có tư cách pháp nhân, như vậy chưa đủ điều kiện để tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ phòng chống HIV theo quy định của nhà nước.

Với những khó khăn về mặt pháp lý và xuất phát từ chính các tổ chức như năng lực quản lý, chuyên môn, tài chính… do đó, việc thực hiện mô hình hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS vẫn còn những rào cản ban đầu và cần có sự nỗ lực vươn lên của chính các tổ chức cộng đồng cũng như sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành và các tổ chức quốc tế.

Cần sự chung tay của các Bộ, ngành

Để giải quyết những khó khăn – đặc biệt là về mặt pháp lý để các tổ chức xã hội có thể tham gia mua sắm các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, theo thạc sĩ – bác sĩ Võ Hải Sơn – Phó Cục Trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cần sự chung tay của các Bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp xã hội.

"Về mặt ngân sách nhà nước thì cơ quan chủ quản tham mưu cho Chính phủ là Bộ Tài chính, do đó, cần có sự đồng thuận và các hướng dẫn từ phía Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn về phía dịch vụ y tế thì Bộ Y tế sẽ tham mưu xây dựng. Khi triển khai trong thực tế thì cần sự vào cuộc của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành. Như vậy, để thực hiện được hợp đồng xã hội đòi hỏi sự đồng bộ về xây dựng chính sách cũng như là phổ biến chính sách, tập huấn nhiều khía cạnh từ phía nhà nước cũng như phía cộng đồng" - BS Võ Hải Sơn nói.

Trước tiên, cần phải xây dựng một hành lang pháp lý từ Chính phủ, cho phép đưa HIV/AIDS là một dịch vụ được nhà nước đặt hàng/mua sắm. Do đó, cần phải có các văn bản hướng dẫn về những dịch vụ cụ thể được mua sắm. Định mức kỹ thuật thực hiện dịch vụ để từ đó xây dựng định mức chi tiêu cho việc thực hiện và mua sắm dịch vụ đó.

Cần đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và hỗ trợ để các tổ chức xã hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, bố trí nguồn lực và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội ký hợp đồng và sử dụng nguồn vốn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Có cơ chế hợp đồng và giám sát dịch vụ chặt chẽ, minh bạch để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn công cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội phải được tập huấn, tăng cường năng lực để có đủ khả năng cung cấp dịch vụ. Năng lực về vận hành và quản lý tài chính tổ chức bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước được giao theo đúng quy định hiện hành của nhà nước - BS Võ Hải Sơn đề xuất.

Chương trình do VOV2, Cục Phòng chống HIV/AIDS

và Dự án Phát triển Hệ thống Y tế Bền vững (USAID LHSS) phối hợp thực hiện