Đó là nhận định của ông Quinten Lataria – Quyền Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phòng, chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Theo ông Quinten Lataria, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần một cơ chế bền vững để duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, mà việc thực hiện hợp đồng xã hội là cách tốt nhất để có cơ chế này. Hợp đồng xã hội sẽ tạo điều kiện để cơ quan nhà nước hợp tác với các tổ chức xã hội triển khai các dịch vụ HIV/AIDS.

Hợp đồng xã hội là một bản hợp đồng có tính ràng buộc về pháp lý giữa bên A (đại diện 1 đơn vị của nhà nước) và bên B (1 đơn vị ngoài nhà nước - ở đây là Tổ chức xã hội), qua đó bên A trả tiền để bên B cung cấp các dịch vụ được yêu cầu với chi phí theo thỏa thuận.

Kinh nghiệm của Quốc tế trong thực hiện hợp động xã hội

Theo Báo cáo cập nhật toàn cầu của UNAIDS năm 2023, hình thức ký kết hợp đồng xã hội đang được thực hiện ở 18 quốc gia. Ngoài ra, hợp đồng xã hội cũng đang bắt đầu được giới thiệu và triển khai ở 16 quốc gia khác.

Indonesia là một trong những nước có số người mới nhiễm cao nhất ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương với khoảng 27.000 người/năm. Trong đó, các tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận các nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV, kết nối họ tới các dịch vụ xét nghiệm và điều trị, đồng thời hỗ trợ duy trì và tuân thủ điều trị để đạt ngưỡng ức chế tải lượng virus. Để duy trì hoạt động của các tổ chức xã hội một cách bền vững, lâu dài, Cơ quan Mua sắm Công Quốc gia của Indonesia đã ban hành một quy định mới cho phép các tổ chức xã hội tiếp cận nguồn tài chính trong nước thông qua ký kết hợp đồng xã hội khi các tổ chức này trở thành đối tác chính thức của chính phủ trong việc thực hiện các chương trình phòng chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến.

“Bộ Y tế có ra một quyết định số 16 có quy định về mua sắm công quốc gia đối với các dịch vụ hàng hóa thì trong đó có 4 cơ chế hiện nay được thực hiện đối với hoạt động mua sắm này. Như thực hiện các cơ chế về xã hội dân sự với sự giám sát của các tổ chức chính phủ đối với các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả các tổ chức xã hội…Tổng thống cũng đã ký quyết định số 23/2022 cho các chương trình như Prep, xét nghiệm qua dịch miệng, phân phối thuốc đã được thực thi. Qua đó mở rộng vai trò của các tổ chức xã hội…” - TS Endang Lukitosari GĐ Chương trình HIV quốc gia, Bộ Y tế Indonesia cho biết.

Còn tại Campuchia, 1 văn bản do Hội đồng các Bộ trưởng với tên gọi Sor Chor Nor 213 đã được ban hành vào tháng 2/2019 quy định về các biện pháp, chính sách mới trong việc duy trì bền vững ngân sách cho phòng chống HIV/AIDS. Đây là thể hiện rõ nét về cam kết của Chính phủ Campuchia trong việc phân bổ ngân sách cho hoạt động này. Ông Choub Sok Chamreun – PGĐ Điều hành Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Campuchia cho biết, các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS, họ là mối liên kết chặt sẽ giữ cơ quan nhà nước với cộng đồng, chính vì vậy việc duy trì hoạt động của những tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS tại quốc gia này.

“Sor chor nor 213 đã được thực thi thông qua ban hành kế hoạch chiến lược quốc gia lần thứ 5 cho HIV từ 2019-2023 và lộ trình bền vững từ 2023-2029... Trong năm 2023 chính phủ đã phân bổ ngân sách cho 4 tỉnh tương đương với khoảng 80 nghìn đô la Mỹ với kế hoạch phân bổ nguồn lực này cho 10 khu vực khác nữa với nguồn lực lên tới 150 nghìn đô la Mỹ.... Đây chính là minh chứng rõ nét cho cam kết nguồn chính sách bền vững cho chương trình phòng chống HIV” - ông Choub Sok Chamreun nhấn mạnh.

Hiện các gói dịch vụ HIV thực hiện thông qua hình thức hợp đồng xã hội tại các quốc gia chủ yếu bao gồm: Tiếp cận người nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao để chia sẻ thông tin và tư vấn trực tiếp; Giới thiệu để kết nối các nhóm nguy cơ cao với các TCXH và các nhân viên được đào tạo để thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV tại nhà hoặc tại cộng đồng; cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS như: bao cao su, bơm kim tiêm, methadone, Prep....; chuyển gửi bệnh nhân điều trị thuốc kháng virus ARV....

Việc ký kết hợp đồng xã hội lâu dài với các tổ chức xã hội không chỉ giúp duy trì các dịch vụ phòng chống HIV mà còn xây dựng khả năng chống chịu cho cộng đồng, những người đang ở diện yếu thế trong xã hội. Điều này thể hiện trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Vì nhiều lợi ích đó, một số quốc gia trên thế giới đã và đang tiến xa hơn việc thí điểm, đưa HĐXH vào hệ thống y tế quốc gia để ứng phó với HIV.

Ví dụ như ở Mexico, chính phủ đã cấp kinh phí cho các dịch vụ HIV mục tiêu do các TCXH cung cấp liên tục trong hơn 11 năm, bao gồm cả khi có Quỹ Toàn cầu hỗ trợ và sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2014. . Hay như ở Montenegro, Chính phủ đã tài trợ một cách có hệ thống cho các dịch vụ dự phòng do tổ chức xã hội dân sự cung cấp kể từ năm 2016. Còn tại Trung Quốc, cơ chế vận hành HĐXH tại Trung Quốc được Chính phủ Trung Quốc giới thiệu vào năm 2015 gọi là Tìm kiếm đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội, các TCXH có thể nộp đơn xin tài trợ cho chương trình HIV, bao gồm cả tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho các nhóm đối tượng đích.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xã hội từ các nước có nhiều điểm tương đồng.

Tại Việt Nam, hình thức hợp đồng xã hội trong công tác phòng chống HIV//AIDS cũng đã được thí điểm triển khai thông qua Quyết định số 5466 của Bộ Y tế về "Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024". Đây là kết quả học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, đồng thời ứng dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn tại nước ta.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ - Cố vấn can thiệp chiến lược của UNAIDS tại Việt Nam thực hiện theo hợp đồng xã hội, việc mua sắm dịch vụ phòng chống HIV bằng nguồn ngân sách nhà nước, điều này phụ thuộc vào việc phân bổ và sử dụng nguồn tài chính công của mỗi nước. Về điểm này, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Do đó, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm việc thực hiện hợp đồng xã hội từ quốc gia này.

“Ở Trung Quốc, các tổ chức cộng đồng có tư cách pháp nhân hay là không có tư cách pháp nhân đều có thể tham gia hợp đồng xã hội. Cụ thể, nguồn tài chính công hay nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ trực tiếp từ trung ương nên ở cấp tỉnh thành, địa phương thì tổ chức cộng đồng nào chưa có tư cách pháp nhân nhưng vẫn mong muốn được tham gia thì có thể phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc là một bệnh viện ở địa phương là những đơn vị có tư cách pháp nhân. Những đơn vị đó sẽ đứng tên và chịu trách nhiệm về tư cách pháp nhân. Và các tổ chức cộng đồng cũng nhận tiền để cung cấp dịch vụ thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân ở tại địa phương của họ” – Bà Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết.

Với 13 doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng tại các tỉnh đã tham gia thí điểm thực hiện hợp đồng xã hội, bà Nguyễn Thị Bích Huệ cho rằng, họ đã đạt được kết quả bước đầu. Hiệu quả thấy rõ là họ đã làm quen với cách tiếp cận mới này, với việc chi trả dựa theo hiệu suất.

“Thông qua việc làm quen với phương thức chi trả dịch vụ dựa trên hiệu suất này thì đó là động lực để các tổ chức cộng đồng học hỏi xem để tham gia vào quy trình mua sắm mà sử dụng các cơ chế của Nhà nước này thì bản thân chúng ta có năng lực cụ thể nào phải tăng cường thêm, những kỹ năng nào phải học hỏi thêm thì đó là cái được rất lớn sau một thời gian thí điểm của tổ chức cộng đồng bao gồm 13 tỉnh bao gồm cả doanh nghiệp xã hội cũng như tổ chức cộng đồng chưa có tư cách pháp nhân”.

Để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức cộng đồng xã hội trong thực hiện hợp đồng xã hội phòng chống HIV/AIDS, theo bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Nhà nước cần nhìn nhận sự đóng góp, tham gia của các tổ chức cộng đồng một cách bình đẳng và có niềm tin đối với họ.

“Chúng ta mới bước qua tháng hành động phòng chống HIV/AIDS năm 2023 cũng như vừa kỷ niệm ngày thế giới phòng chống AIDS, chủ đề toàn cầu chiến dịch ngày phòng chống HIV/AIDS năm nay là hãy để cộng đồng dẫn dắt. Chủ đề này nêu bật lên tầm quan trọng của sự đóng góp cũng như những vai trò của tổ chức cộng đồng. Bản thân tôi và những kinh nghiệm của tổ chức quốc gia khác trên thế giới thì chúng tôi thấy quan hệ đối tác bình đẳng, niềm tin giữa hai bên chương trình phòng chống mục tiêu quốc gia và các tổ chức cộng đồng chung tay phòng chống AIDS, đó là yếu tố quan trọng cũng như là môi trường thuận lợi cả về mặt pháp lý cũng như về mặt xã hội, không còn kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Đó là yếu tố giúp sự tham gia của các tổ chức cộng đồng được hiệu quả hơn nữa” – bà Nguyễn Thị Bích Huệ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, những văn bản quy định chính sách pháp luật yêu cầu mua sắm dịch vụ công là tổ chức có tư cách pháp nhân, song lại phân cấp xuống các tỉnh thành nên nguồn ngân sách lại được cấp từ các tỉnh, thành phố. Vì vậy, với chính sách này ở Việt Nam sẽ rất khó để triển khai rộng khắp vì không phải tổ chức cộng đồng nào ở 63 tỉnh, thành phố cũng có tư cách pháp nhân.